Những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới Tràng An
Cập nhật: 26/06/2014
Đáp ứng được những tiêu chí nổi bật toàn cầu, chiều 23/6, quần thể danh thắng Tràng An của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới. Đây là lần đầu Việt Nam có khu danh thắng di tích trở thành Di sản hỗn hợp thế giới, một danh hiệu ít nước có vinh dự được đón nhận.
 

Năm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, quần thể danh thắng Tràng An bao gồm một hệ thống sông, hồ, đầm và rừng đặc dụng trên núi đá vôi, chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa và thiên nhiên đặc sắc với ba khu vực di tích danh thắng đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là: di tích cố đô Hoa Lư; khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; khu rừng đặc dụng Hoa Lư - chùa Bái Đính. Vùng lõi của quần thể di tích Tràng An và là vùng được bảo vệ đặc biệt rộng bốn nghìn ha và được bao quanh bởi vùng đệm rộng tám nghìn ha, gồm nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh có giá trị nổi bật.

Khu quần thể danh thắng mang giá trị nổi bật toàn cầu về cảnh quan, địa chất, địa mạo với hệ thống núi đá vôi Tràng An dạng tháp đơn lẻ, nổi bật nhất và theo muôn hình vạn trạng, nổi cao khoảng 200m trên nền những cánh đồng bằng phẳng. Vào trung tâm khối là cảnh quan núi dạng chóp nón liên kết với nhau bao quanh các thung lũng sâu và khá kín, chung quanh có vách đá dựng đứng, quanh năm ngập nước. Bao phủ trên nền núi đá vôi, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp là lớp phủ thực vật ken dày và rừng nguyên sinh trên núi đá vôi. Phía dưới là một hệ sinh thái đất ngập nước vô cùng phong phú cùng những đầm, hồ, sông, suối uốn lượn quanh núi có dòng chảy êm, nhẹ, trong xanh và nguyên sơ. Nhiều đoạn sông chảy qua những hang động ngầm dài với những nhũ đá đủ hình dáng rủ xuống từ trần hang. Khu danh thắng Tràng An có khoảng năm hang động khô và chừng đó hang động nước, được ví như một vịnh Hạ Long trên cạn, một Di sản và Kỳ quan thiên nhiên thế giới nổi tiếng khác của Việt Nam.

Điểm xuyết trong bức tranh thiên nhiên thủy mặc đó là những cánh đồng lúa dọc dài hai bên triền sông và chiếm phần lớn diện tích vùng đệm... Đây cũng là nơi lưu giữ những dấu ấn cư trú của người Việt cổ thời tiền sử, thể hiện sự định cư lâu dài của con người. Điều này đã được chứng minh qua các di chỉ khảo cổ học mang giá trị toàn cầu, giúp tìm hiểu về khả năng người tiền sử thích nghi với các biến đổi của môi trường, cảnh quan. Cách đây khoảng 23 nghìn năm, một số nền văn hóa tiền sử đã tiến hóa liên tục ở khu vực này, từ thời đồ đá cũ qua thời đại đồ đá mới đến thời đại đồ sắt và đồ đồng với những lần biển tiến vào rồi lại lùi ra. Cũng ở đây, vào thế kỷ thứ mười, Kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt đã hình thành, mở nền độc lập, tự chủ thịnh vượng cho các thời đại kế tiếp của quốc gia Đại Việt, là tiền đề để hướng tới tiến ra vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ và lập đô ở Thăng Long. Những giá trị vẫn còn lưu dấu với hàng trăm di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, tâm linh: đình, đền, chùa, phủ qua các thời, nổi bật là đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, chùa Kim Ngân, chùa Duyên Ninh, phủ Chợ, động Am Tiên, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, động Liên Hoa, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, chùa Bái Đính, động Thiên Tôn, động Hoa Lư, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh...

Với việc đáp ứng ba tiêu chí nổi bật toàn cầu, trong đó có hai tiêu chí của một di sản thiên nhiên thế giới và một tiêu chí của di sản văn hóa thế giới, khu danh thắng Tràng An đã trở thành Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay, cả thế giới có hơn 981 di sản được UNESCO công nhận, nhưng chỉ có 28 Di sản hỗn hợp thiên nhiên và văn hóa. Điều này cho thấy những tiêu chí và đòi hỏi rất khắt khe của UNESCO trong việc xem xét, công nhận các hồ sơ.

Đã từng có ý kiến đề nghị hoãn việc xem xét và lùi hồ sơ đề cử Tràng An của Việt Nam đến năm 2015, nhưng với các cam kết của Chính phủ Việt Nam, tỉnh Ninh Bình và các bộ, ngành liên quan trong việc bảo vệ di sản và nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO sau khi di sản được công nhận cùng sự bảo vệ xuất sắc của các nhà khoa học nước ta trước hội đồng chuyên môn của UNESCO và nỗ lực của các thành viên đoàn Việt Nam tại Kỳ họp thứ 38 ở Đô-ha (Ca-ta), đa số đại biểu, đại diện cho 21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản thế giới đã đồng ý công nhận quần thể danh thắng Tràng An của Việt Nam là Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới.

Nhân Dân