Quảng Nam xây dựng sản phẩm gắn với kết nối phát triển du lịch
Cập nhật: 01/08/2014
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam và hơn 30 công ty lữ hành đến từ Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã hoàn thành chuyến khảo sát thứ hai về miền Tây tỉnh Quảng Nam.
 

Chuyến khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái và kết nối phát triển du lịch giữa các điểm đến ở vùng sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam với các di sản văn hóa thế giới trên địa bàn và với các tỉnh, thành trong khu vực, nhằm tạo ra chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch phục vụ khách trong nước và quốc tế.

Miền Tây tỉnh Quảng Nam là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số như Cor, Cơ Tu, Xê Đăng, Ca dong, Giẻ Triêng… Trong quá trình phát triển của mình, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền Tây Quảng Nam được đánh giá là còn lưu giữ được khá đầy đủ bản sắc văn hóa độc đáo của từng dân tộc.

Cùng với các làn điệu dân ca góp phần làm nên cốt cách và tâm hồn của từng dân tộc, là những kiến trúc nhà Moong, nhà Gươl đặc thù gắn liền với các điệu múa truyền thống trong lễ hội làng, lễ ăn mừng lúa mới, lễ kết nghĩa anh em, lễ vào mùa rẫy mới, lễ hội ăn trâu, lễ hội cồng chiêng cùng với các nhạc cụ truyền thống, phong phú và độc đáo.

Ngoài ra, nghệ thuật ẩm thực với các món ăn truyền thống như cơm lam, thịt hun khói, rượu cần, rượu tà vạt, cá niên, rau rừng, các sản phẩm dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác nhạc cụ, trang phục, các ngành nghề truyền thống của từng dân tộc được các nhà làm du lịch đánh giá đều có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch để phục vụ du khách, nhất là khách quốc tế.

Tuy nhiên, để vừa giữ gìn vừa phát huy được bản sắc văn hóa của từng dân tộc và nâng tầm các giá trị này trở thành các sản phẩm du lịch, các công ty lữ hành đều có chung nhận xét. Trước sự tác động của nhiều yếu tố trong cuộc sống hiện đại, chính quyền địa phương cũng như các nhà làm công tác quản lý văn hóa phải có chiến lược bảo tồn và phát triển các phong tục tập quán của từng dân tộc để đồng bào không làm mai một bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong hội nhập và phát triển.

Tuy có tiềm năng, song các sản phẩm du lịch của từng dân tộc phải được liên kết với nhau để vừa phá thế đơn điệu vừa tạo ra chuỗi các giá trị có chất lượng cao, đây chính là điểm mạnh của du lịch về vùng sâu trong đất liền nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng các dân tộc thiểu số Cor, Cơ Tu, Xê Đăng, Ca dong, Giẻ Triêng… đối với du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài.

Đặc biệt để phục vụ du lịch, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải được hệ thống hóa một cách bài bản, được bảo tồn và phát huy một cách bền vững trên cơ sở lấy cộng đồng các dân tộc làm hạt nhân, đồng bào được hưởng lợi từ các dịch vụ.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, bởi hiện tại hệ thống đường giao thông về đến tận bản làng của từng đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là những bản làng xa xôi, nơi còn lưu giữ khá nguyên vẹn các bản sắc văn hóa của từng dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn.

Vietnam+