Tăng cường kết nối các điểm du lịch hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa
Cập nhật: 05/08/2014
Vừa qua, tại thành phố Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng cục Du lịch và UBND các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình tổ chức tọa đàm về công tác tuyên truyền, quảng bá về Năm du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa và Di sản thế giới Tràng An - Ninh Bình. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi tọa đàm.
 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích, thảo luận, kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, các địa điểm du lịch hấp dẫn của 2 tỉnh; chỉ ra những tồn tại, yếu kém trong công tác tổ chức du lịch tại các địa phương, cũng như các giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch ngày một tốt hơn.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, năm 2015 là năm đặc biệt quan trọng đối với hoạt động du lịch. Để chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia 2015 với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới", tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp, lập kế hoạch triển khai nhiều hoạt động mang tính chất điểm nhấn. Trong đó, trọng tâm gồm 6 sự kiện do các Bộ, ban, ngành Trung ương tổ chức và 5 sự kiện do tỉnh Thanh Hóa chủ trì tổ chức bao gồm: Sự kiện khai mạc Năm du lịch Quốc gia 2015, dự kiến vào tháng 3/2015 gắn với liên hoan Di sản thế giới; Lễ kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng; tổ chức trại điêu khắc đá quốc tế trên nền nguyên liệu đá xanh của Thanh Hóa; Tuần lễ du lịch biển Thanh Hóa với các bãi biển nổi tiếng Sầm Sơn, Hải Tiến... Tỉnh tập trung cao độ, chuẩn bị mọi phương án về nhân lực, vật lực, thực hiện các dự án lớn như: dự án bảo tồn và phỏng dựng Chính điện Lam Kinh, công trình nhà hát Lam Sơn, Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh; dự án đầu tư xây dựng Đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ Hàm Rồng và nhiều công trình thiết yếu phục vụ du lịch khác.

Tại buổi tọa đàm đã có nhiều ý kiến của các nhà quản lý trong lĩnh vực thông tin truyền thông, quản lý văn hóa du lịch. Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Duy Truyền cho rằng, khẩu hiệu "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" cần được triển khai và thực hiện triệt để, nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, du lịch của đất nước. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa trong những năm vừa qua đã nỗ lực trong việc phát huy và tận dụng thế mạnh du lịch của địa phương, phát triển du lịch tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, trong đó phải kể đến du lịch biển Sầm Sơn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng xây dựng hình ảnh Sầm Sơn đẹp trong du khách trong nước và quốc tế. Đồng chí Lê Duy Truyền cho rằng, 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình cần liên kết chặt chẽ hơn nữa trong việc nối kết các tuyến du lịch để thu hút lượng du khách lớn hơn nữa đến với 2 tỉnh, đặc biệt là du khách trong nước...

Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh tới yếu tố truyền thông làm thay đổi mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý và phải đẩy mạnh, triển khai có hiệu quả công tác xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch. Riêng điểm này, tỉnh Thanh Hóa cần trao đổi và học theo cách làm sáng tạo của tỉnh Ninh Bình, đơn cử như việc đưa Tràng An trở thành Di sản Thế giới.

Phó Trưởng Ban quản lý khu du lịch Tràng An - Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho rằng cần phải có hệ thống giao thông kết nối các địa điểm du lịch của Thanh Hóa với Ninh Bình cũng như các địa phương khác. Trước mắt cần nâng cấp các Quốc lộ, tỉnh lộ kết nối các điểm du lịch Tràng An - Ninh Bình với Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, khu du lịch biển Sầm Sơn - Thanh Hóa.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình đều cho rằng việc kết nối các địa điểm du lịch tiềm năng là rất cần thiết. Thực tế trong các năm qua, Trung ương và 2 địa phương đã dành rất nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và đặc biệt đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng hoạt động trong ngành du lịch. Hai địa phương mong muốn được Trung ương, các bộ, ban, ngành quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ban hành các chủ trương, kế hoạch cụ thể để hoạt động du lịch của 2 địa phương được kết nối chặt chẽ hơn nữa.

Kết luận buổi tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho rằng đây là hoạt động bổ ích, thiết thực trong việc tuyên truyền, quảng bá du lịch tại 2 tỉnh với nhiều ý kiến chất lượng, đi đúng trọng tâm buổi tọa đàm. Thời gian tới, 2 địa phương cần liên kết, kết nối nhiều hơn nữa để phát triển du lịch. Trong đó, nhấn mạnh đến kết nối các di tích, di sản; kết nối giữa các ngành, các địa phương; kết nối giữa cư dân các điểm du lịch với du khách; kết nối giữa các hoạt động quản lý, khai thác văn hóa, du lịch với kinh tế. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ đặc biệt nhấn mạnh đến việc kết nối giữa ngành du lịch 2 địa phương với các cơ quan thông tấn, báo chí, đơn vị truyền thông và giữa các cơ quan truyền thông với nhau. Trước mắt, 2 địa phương cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách phát triển du lịch, tăng cường năng lực quản lý của chính quyền các cấp và các ngành hữu quan. Mỗi địa phương phải có chiến lược lâu dài, có các ý tưởng mới trong phát triển du lịch; chú trọng hơn nữa việc nâng cao trình độ cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực du lịch và dành nhiều ưu đãi, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

TTXVN