Trong các ngày từ 6 đến 9/8, đoàn chuyên gia tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã đi kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí của Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
|
Đi cùng đoàn còn có các chuyên gia địa chất đến từ Malaysia, Pháp, Brazil; đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Bộ Ngoại Giao; Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài Nguyên và Môi trường).
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010.
Trong lộ trình tái thẩm định 4 năm một lần, đoàn chuyên gia đã kiểm tra thực tế việc thực hiện các tiêu chí của Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Kết thúc chương trình tái thẩm định, ngày 9/8 tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang, đoàn chuyên gia đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hà Giang trong triển khai thực hiện các tiêu chí do Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu đề ra.
Qua chuyến khảo sát, kiểm tra các điểm di sản cũng như các điểm di tích lịch sử Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Đoàn khuyến nghị tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức các giá trị di sản của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho học sinh và bà con các dân tộc thiểu số để thế hệ trẻ và người dân hiểu được những giá trị vốn có của Công viên địa chất và bảo vệ di sản địa chất.
Việc quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đang được tỉnh Hà Giang và các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương triển khai. Các chuyên gia khuyến nghị việc quy hoạch xây dựng phải gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, công tác quy hoạch cần phải đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng xây dựng manh mún, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường.