Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá ở trong nước và quốc tế để quảng bá môi trường kinh doanh, hình ảnh điểm đến Việt Nam “an toàn, thân thiện, chất lượng”, là nhiệm vụ trước mắt mà ngành du lịch phải thực hiện, theo lời chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.
Tháo gỡ khó khăn cho du lịch phát triển
Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: tính chung 7 tháng vừa qua, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 4,85 triệu lượt người, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong thời gian này, ngành du lịch Việt Nam phục vụ 17 triệu lượt khách nội địa, tăng 6,7%. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 142.000 tỷ đồng, tăng 21,2%.
Tuy nhiên, trong tháng sáu vừa qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm gần 20% so với tháng năm và trong tháng năm lại giảm 9,62% so với tháng tư năm nay. Trong tháng bảy vừa qua, khách quốc tế đến Việt Nam có tăng nhẹ so với tháng sáu, nhưng vẫn giảm so với tháng cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, để ứng phó với những tác động tiêu cực ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng du lịch Việt Nam trong những tháng còn lại của năm nay và những năm tiếp theo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhóm các giải pháp.
Đầu tiên là tăng cường công tác truyền thông, quảng bá ở trong nước và quốc tế để quảng bá môi trường kinh doanh, hình ảnh điểm đến Việt Nam “an toàn, thân thiện, chất lượng”. Tiếp đó, du lịch Việt Nam sẽ tiến hành công tác xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường du lịch quốc tế sang các thị trường mới, tránh phụ thuộc vào các thị trường đã có.
Thêm vào đó, du lịch Việt Nam sẽ đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm khích lệ nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân. Các địa phương cũng cần quan tâm, tăng cường tháo gỡ khó khăn, rào cản cho các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn và đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo an toàn, tiện lợi cho du khách. Cuối cùng là cần có cơ chế chính sách, biện pháp tạo điều kiện thuận lợi, thu hút khách quốc tế vào Việt Nam.
Đa dạng hóa điểm đến cho khách du lịch Việt Nam
Trước tình hình khó khăn ở một số thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chuyển hướng thị trường sang châu Âu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại khó khăn do chưa quen với thị trường.
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng: các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, đa dạng hóa sản phẩm cũng như thị trường.
Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch cũng như các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều thông báo việc tổ chức các hoạt động xúc tiến điểm đến Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm, tiềm năng mới; trong đó có thị trường châu Âu.
Các doanh nghiệp và các địa phương cần theo dõi, chủ động liên kết tham gia vào các chương trình này để tiếp cận, mở rộng và phát triển các thị trường du lịch; cần linh hoạt, kịp thời đưa ra các giải pháp đa dạng hóa thị trường, tích cực quảng bá ở các thị trường mới, trong đó có thị trường châu Âu.
Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nỗ lực giới thiệu, quảng bá cho từng địa phương nói riêng và thông qua đó quảng bá Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới.
Xây dựng hình ảnh Việt Nam đẹp và thân thiện
Về ý kiến cho rằng chất lượng hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam còn thiếu và yếu, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, năm 2005, Việt Nam mới có khoảng 5.000 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Đến tháng sáu vừa qua, cả nước đã có hơn 14.000 hướng dẫn viên. Số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, đối với một số thị trường sử dụng ngoại ngữ hiếm còn rất thiếu hướng dẫn viên.
Về biện pháp khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cũng nêu rõ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phổ biến thông tin rộng rãi, đặc biệt là cung cấp thông tin cho các em sinh viên về việc khan hiếm lực lượng hướng dẫn viên du lịch quốc tế ở một số thị trường, góp phần định hướng cho các em.
Bộ cũng đã ban hành chương trình khung đào tạo ngắn hạn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch và ban hành quy định về trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế; đồng thời tổ chức các kỳ thi sát hạch về nghiệp vụ, ngoại ngữ cho những người am hiểu, yêu thích làm hướng dẫn viên du lịch nhưng chưa có điều kiện theo học các khóa đào tạo nào.
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ biến kiến thức, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, sinh viên, xây dựng tiêu chuẩn nghề hướng dẫn viên du lịch phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Sắp tới, trong dự án Luật Du lịch sửa đổi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép hạ tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, quy định linh hoạt hơn để khuyến khích những người yêu nghề, có kinh nghiệm, giỏi nghiệp vụ tham gia lực lượng hướng dẫn viên du lịch.
Về hiện tượng chèo kéo, nâng giá dịch vụ đối với du khách, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, hiện tượng này cũng đã được nhiều người dân ở các địa phương phản ánh. Ở nhiều địa phương, nhất là các trọng điểm du lịch như thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng... đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng nêu trên, như tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở và người dân.
Hiện tượng chèo kéo, nâng giá dịch vụ với du khách có thể xảy ra ở bất cứ điểm đến nào, bất cứ lúc nào, nhưng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và ngành du lịch, chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện đáng kể. Có thể thấy thời gian gần đây, hiện tượng chèo kéo du khách, nâng giá dịch vụ đã giảm.
Ngành du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thêm nhiều khách quốc tế đến với Việt Nam, do đó không chỉ các doanh nghiệp mà ngay cả người dân, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cũng cần chung tay, nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng một hình ảnh Việt Nam đẹp, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế.