Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC lần thứ tám-2014 vừa diễn ra tại Macau (Trung Quốc) với chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương.”
Các đại biểu tại Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC lần thứ tám-2014.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn dẫn đầu đã có nhiều hoạt động được đánh giá cao tại sự kiện du lịch nổi bật này.
Ngày 15/9, trao đổi với TTXVN về sự kiện này, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho biết, tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 5 nội dung chính, trong đó có việc xúc tiến hội nhập thị trường du lịch châu Á-Thái Bình Dương; sự chuyển biến và phát triển du lịch thông qua xúc tiến phát triển hội nhập của du lịch và các ngành công nghiệp khác; sử dụng công nghệ và phát kiến khoa học mới nhất để xúc tiến du lịch thông minh.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đẩy mạnh hợp tác du lịch và xúc tiến liên kết du lịch APEC trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tăng cường hợp tác du lịch carbon thấp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đóng góp vào chương trình nghị sự, thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: Để du lịch phát triển nhanh và bền vững, sự phối hợp, liên kết với các ngành, lĩnh vực khác có vai trò rất quan trọng.
Việt Nam mong muốn thúc đẩy mối quan hệ giữa du lịch với các ngành khác. Cụ thể là giữa du lịch và giao thông cần có cơ chế phối hợp nhằm khai thác các đường bay thẳng, xây dựng hệ thống đường bộ kết nối các điểm đến; đồng thời hướng tới phát triển các ngành du lịch chuyên đề như du lịch đường biển, du lịch đường sông. Giữa du lịch và giáo dục cũng cần xây dựng cơ chế phối hợp để khuyến khích, thúc đẩy giới trẻ du lịch học tập, trau dồi kinh nghiệm, đặc biệt là các nước thành viên APEC.
Hiện nay với sự phát triển của mạng Internet, các trang mạng xã hội và các thiết bị điện tử thông minh đã tạo ra thách thức, cơ hội cho các hoạt động du lịch, đặc biệt là công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Việt Nam cho rằng các thành viên APEC cần hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng, sử dụng công nghệ mới trong ngành du lịch, hướng tới phát triển du lịch thông minh ở cả ba mảng: dịch vụ, quản lý và quảng bá.
Các thành viên APEC có thể xem xét xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá du lịch chung; trong đó giới thiệu về du lịch của từng nước, đường dẫn tới trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan du lịch quốc gia các nước; đồng thời xây dựng diễn đàn chung cho du lịch APEC và sử dụng diễn đàn này như một công cụ giao tiếp, trao đổi giữa khách du lịch và cơ quan quản lý du lịch.
Quảng bá cho du lịch Việt Nam tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: giai đoạn vừa qua, tuy còn nhiều khó khăn và thách thức ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới, ngành du lịch Việt Nam vẫn tiếp tục đà phát triển ấn tượng.
Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư, tạo nguồn lực phát triển, rà soát, tháo gỡ rào cản cho phát triển du lịch, tăng cường quản lý điểm đến và chất lượng du lịch, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát huy thế mạnh, tăng cường liên kết để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng. Việt Nam cũng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo chất lượng; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch, nhằm vào thị trường mục tiêu; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định: Du lịch Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác, là đối tác đáng tin cậy với các nền kinh tế thành viên của đại gia đình APEC, góp phần tiếp tục khẳng định vai trò của ngành kinh tế du lịch cho sự phát triển và thịnh vượng chung của APEC.
Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC (TMM) được tổ chức từ năm 2000, định kỳ 2 năm/lần, nhằm đề ra những định hướng chính sách phát triển du lịch APEC làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các dự án hợp tác liên quan.
Năm 2006, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC lần thứ tư, tại Hội An, Quảng Nam năm 2006, nhân dịp Năm APEC Việt Nam 2006. Ngành Du lịch Việt Nam luôn tham gia đầy đủ và có trách nhiệm với các sự kiện, hoạt động của hợp tác du lịch APEC.
Các Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC đều ra Tuyên bố định kỳ, thể hiện quyết tâm của các nhà lãnh đạo du lịch APEC nhằm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo công cụ tăng cường giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực.
Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã thống nhất thông qua Tuyên bố Macau về xây dựng tương lai mới cho hợp tác và phát triển du lịch châu Á-Thái Bình Dương./.