Hà Nội phục dựng giếng cổ niên đại gần 500 năm tại Ứng Hòa
Cập nhật: 19/09/2014
Người dân khôi phục giếng không vì mục đích sử dụng nước như trước đây mà chủ yếu là khôi phục giá trị tinh thần, nhân văn của làng quê.
 

Giếng nằm gần đình thôn Đặng Giang, có niên đại gần 500 tuổi. Tuy nằm ở vị trí khá cao ráo nhưng nước ở các giếng cổ này mát ngọt tự nhiên, mực nước luôn cao và ổn định kể cả vào những ngày nắng hạn. Nằm trong quần thể khu di tích văn chỉ của làng bao gồm một đình, một đền, một chùa và giếng làng. Xung quanh giếng cổ, cỏ mọc um tùm che khuất cả thành giếng rêu phong.

Nhận thấy giếng cổ của làng đã bị lãng quên và ngày một bị ô nhiễm nghiêm trọng, các vị cao niên trong làng đã kêu gọi người dân và các con cháu là doanh nhân thành đạt đi làm ăn xa góp tiền công đức để phục dựng giếng làng, giữ gìn cảnh quan và di tích một thời của ông cha để lại.

Đầu năm 2014, làng đã họp, bàn và quyết định khôi phục, nạo vét và phục dựng lại giếng cổ. Vì đây là việc làm tự nguyện nên ai có từng nào góp từng ấy, người có công góp công, người có của góp của, chỉ trong thời gian ngắn, nhờ sự đồng thuận và chung sức chung lòng của cả làng đã quyên góp được số tiền lên tới 200 triệu để đầu tư và phục dựng giếng làng. Sau 4 tháng tôn tạo và phục dựng (21/01/2014 – 21/08/2014), giếng cổ Văn Chỉ làng Đặng Giang lại có cơ hội “sống lại”.

Khuôn viên giếng Văn Chỉ phục dựng có đường kính rộng đến vài chục mét vuông, bốn phía lát gạch đỏ vòng quanh miệng giếng, thành giếng trang trí hoa văn và các hán tự. Cùng với những ngôi đình cổ kính, ngôi chùa linh thiêng, giếng làng đã góp thêm một phần quan trọng trong xây dựng không gian văn hóa làng, trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch muốn tìm hiểu, khám phá nét đẹp làng quê Việt Nam xưa.

langvietonline.vn