Bảo tồn nghệ thuật bài chòi
Cập nhật: 30/09/2014
Ngày 27/9, tại TP. Quy Nhơn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo “Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam, hiện trạng và vấn đề bảo tồn”.
 

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc của miền Trung. Cái thú của bài chòi không phải ở thắng thua mà là niềm vui đầu năm với hàng xóm láng giềng với những câu hát trong quá trình chơi vừa bình dị mà đầy chất thơ.

Ngày 25/8 vừa qua, bài chòi Bình Định đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bên cạnh đó, Bình Định cũng là địa phương chủ trì, phối hợp với các địa phương khác cùng tiến hành xây dựng bộ Hồ sơ quốc gia trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Theo các chuyên gia nhận định, thực tế hiện nay, cùng với thời gian và quá trình phát triển của cuộc sống hiện đại, khi nhu cầu thẩm mỹ của công chúng nhất là giới trẻ đã thay đổi, thì sân khấu truyền thống trong đó có sân khấu ca kịch bài chòi không còn giữ vai trò chủ đạo trong sinh hoạt nghệ thuật của xã hội. 

Tình trạng này đã và đang đặt ra câu hỏi: Cần phải làm gì, phải làm như thế nào để sân khấu ca kịch bài chòi có thể tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng đất Trung bộ và toàn xã hội? 

Theo Sở VHTTDL tỉnh Bình Định, Sở đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nghệ thuật Bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến năm 2020, mỗi làng nông thôn đều tự hình thành nhóm nghệ nhân sinh hoạt nghệ thuật hội đánh bài chòi dân gian.

Đề án cũng khuyến khích việc truyền dạy bởi các nghệ nhân, trao truyền cho thế hệ trẻ; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về bài chòi trong hội đồng đội, thanh thiếu niên; phục vụ tại những điểm du lịch; tăng cường liên kết, giao lưu giữa các khu vực miền Trung có di sản bài chòi.

Để giải quyết bài toán nhân lực cho bộ môn nghệ thuật này, theo NSƯT Hoàng Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường CĐ VHNT&DL Nha Trang, cần hỗ trợ những học sinh có năng khiếu đặc biệt những em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, cần định hướng cho sinh viên để khi ra trường các em tìm được một công việc ổn định, đúng ngành nghề đào tạo, đảm bảo đời sống.

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ chú trọng đào tạo những lớp đồng ấu tại trường. Đồng thời, để có một lượng khán giả ổn định và yêu mến ca kịch bài chòi thì cần tạo ra những sản phẩm có chất lượng, quảng bá tốt và chú trọng đào tạo từ sân khấu học đường để tạo nên sức sống lâu dài cho loại hình nghệ thuật này.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chỉ đạo Viện Âm nhạc tổng hợp các ý kiến từ Hội thảo, ghi nhận thêm những nghiên cứu của các chuyên gia để có những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành liên quan nhằm phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng hồ sơ. 

Với các tỉnh, thành phố có di sản nghệ thuật bài chòi dân gian, cần nhanh chóng thực hiện việc kiểm kê để đánh giá hiện trạng di sản để đề xuất kế hoạch bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi dân gian gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương.

Tại hội thảo, Bộ VHTTDL cũng đã trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho di sản nghệ thuật Bài chòi Bình Định.

Chính Phủ