(TITC) - Trong 2 ngày 18 - 19/10/2014, Đoàn công tác của thành phố Hội An (Quảng Nam) gồm 35 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp tiêu biểu và người Nhật đang sinh sống, làm việc tại Hội An sẽ tham gia lễ hội Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 12 năm 2014 tại thành phố Sakai, tỉnh Osaka, Nhật Bản.
Lễ hội Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản là sự kiện văn hóa đặc sắc được tổ chức thường niên từ năm 2003 tại thành phố Hội An. Năm 2014, lần đầu tiên lễ hội được tổ chức tại Nhật Bản nhằm kỷ niệm 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2014) và hưởng ứng Lễ hội Sakai – Nhật Bản lần thứ 41 năm 2014 (19/10/2014); đồng thời kỷ niệm 15 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1999 – 2014) và 5 năm Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới (2009 – 2014). Thông qua lễ hội, Hội An mong muốn giới thiệu tới người dân Nhật Bản và du khách quốc tế hình ảnh về vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam cùng những thành tựu đã đạt được trong chặng đường 11 năm giao lưu, hợp tác giữa Hội An với các địa phương, tổ chức hữu nghị của Nhật Bản.
Bên cạnh các hoạt động được tổ chức thường xuyên trong những kỳ lễ hội trước đây như trình diễn nghề và trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam và Nhật Bản, gấp giấy Nhật Bản, trò chơi dân gian Hội An và Nhật Bản, thư pháp thơ Haiku, chụp hình lưu niệm với áo Yukata, trình diễn nghệ thuật (độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa dân gian, dân ca Quảng Nam, Nhật Bản); trò chơi dân gian (bài chòi, bịt mắt đập nồi); sinh hoạt cộng đồng (diễu hành, múa Bon, múa trống cơm, nhảy sạp)…, lễ hội Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản năm 2014 còn mang đến nhiều chương trình mới lạ, hấp dẫn, trong đó nổi bật là phần trưng bày hình ảnh và hiện vật “Hội An, ngày ấy-bây giờ” bao gồm các nội dung: khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; vinh danh Hội An (các giải thưởng, các bình chọn từ năm 1999 đến nay); các ấn phẩm sách, báo, tạp chí... song ngữ Việt-Nhật và Việt-Anh; hình ảnh và thông tin hoạt động của những người Nhật sinh sống và làm việc tại Hội An với chủ đề “Những đóa hoa anh đào ở Hội An”; chiếu phim tài liệu “Phố cổ Hội An” và “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm” (có phụ đề tiếng Nhật). Ngoài ra, nhiều hoạt động sôi nổi khác cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội như: trưng bày ảnh “11 năm giao lưu, hợp tác Hội An-Nhật Bản-Sakai, một chặng đường”; trình diễn nghề và dịch vụ “Thử tài làm lồng đèn Hội An”; giới thiệu ẩm thực Hội An (cao lầu, mì Quảng, lục tàu xá...) và Nhật Bản; giao lưu thư pháp Nhật Bản do Nhà thư pháp Takeda Souun thực hiện; trình diễn hợp xướng; hoạt động xúc tiến du lịch các tour “Khám phá Cù Lao Chàm”, “Dấu xưa Nhật Bản”, “Khám phá làng quê Cẩm Thanh bằng xe đạp” và các sự kiện năm 2014, 2015…
Việc duy trì tổ chức lễ hội Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản hàng năm là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ tốt đẹp không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phạm Phương