Tuyên Quang phát triển làng văn hóa, lưu giữ nét đẹp dân tộc
Cập nhật: 23/10/2014
Thời gian qua, việc quy hoạch, phát triển các làng văn hóa để bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc đã được tỉnh chú trọng thực hiện. Với việc các hoạt động du lịch phát triển, làng văn hóa đã góp phần quảng bá hình ảnh quê hương đến với du khách.
 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện đã xây dựng được 3 làng văn hóa có kết hợp với dịch vụ du lịch cộng đồng gồm: Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); Làng văn hóa thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú (Yên Sơn) và Làng văn hóa thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Mỗi làng văn hóa đều mang những nét đẹp riêng, đặc sắc cả về phong cảnh lẫn văn hóa con người.

Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào nằm trọn trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào với gần 100% người dân tộc Tày sinh sống. Nơi đây, Đảng, Bác Hồ và các cơ quan Trung ương đã từng sống, đặt trụ sở làm việc. Không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, ngày nay, làng Tân Lập còn lưu giữ được những tinh hoa văn hóa của dân tộc Tày trong những ngôi nhà sàn truyền thống và những làn điệu then, cọi mê đắm lòng người. 

Là một trong 34 hộ gia đình ở làng còn lưu giữ được ngôi nhà sàn cổ, ông Nguyễn Văn Bế chia sẻ: “Nhà sàn của dân tộc Tày thường được xây dựng theo những nguyên tắc số lẻ. Nhà làm bằng gỗ, lợp bằng lá cọ dày, thường từ 3 đến 5 gian; có hai cửa, gồm một cửa chính, một cửa phụ và rất nhiều cửa sổ ở phía trước... Nhà sàn của người Tày ở đây không đơn thuần chỉ để ở, nó còn là nơi thể hiện bản sắc văn hóa như nếp sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc biệt là nơi trình diễn những làn điệu then, cọi đặc trưng của dân tộc Tày. Chị Lưu Thị Phương, Đội trưởng đội văn nghệ làng Tân Lập cho biết, đội văn nghệ được thành lập từ năm 2006 gồm 11 người với mục đích bảo tồn làn điệu then, cọi của dân tộc. Nhưng khi Tân Lập phát triển thành làng văn hóa du lịch, đội đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn thêm về hát then, cọi, phong cách biểu diễn để phục vụ nhu cầu cũng như quảng bá, giới thiệu đến du khách.

Làng văn hóa Giếng Tanh ở xã Kim Phú (Yên Sơn), ngôi làng thuần nông còn giữ được nhiều nét hoang sơ với cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, nhà mái lá rêu phong cổ kính. Đặc biệt, bà con dân tộc Cao Lan ở đây còn có nhiều làn điệu múa và hát sình ca rất hấp dẫn. Theo họ, sình ca được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua truyền miệng. Hát sình ca bao giờ cũng đi kèm với những điệu múa uyển chuyển, sinh động, mô phỏng cảnh sinh hoạt đời thường của người dân như đi tra hạt, xúc tép hay lên nương… Mỗi cảnh sinh hoạt được tái hiện trong điệu múa một cách đầy đủ, có hồn với trang phục phù hợp. Chính vì thế mỗi câu hát tạo cho người xem một cảm giác gần gũi và mang ý nghĩa sâu lắng về tình người, tình yêu đôi lứa. Ngoài tổ chức Lễ hội đình Giếng Tanh vào dịp mùng 10 tháng Giêng hàng năm thì những ngày thường, bà con nhân dân thôn Giếng Tanh luôn sẵn sàng phục vụ du khách, biễu diễn múa hát sình ca của dân tộc mình. Ông Hoàng Liên Sơn, Trưởng thôn Giếng Tanh cho biết, hơn 70% hộ trong thôn (toàn thôn có 103 hộ) có nhà sàn và nhà gỗ thoáng mát sạch đẹp với sức chứa 20 đến 40 du khách. Mỗi gia đình sẵn sàng đón tiếp nếu có khách du lịch đến ở. Khách đến, bà con coi như người nhà, tạo sự gần gũi, thân thiện.

Nằm ở huyện vùng cao nên làng văn hóa thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) có được vẻ hữu tình với núi cao bao bọc, nước suối chảy róc rách như một bức tranh thủy mặc. Chính vì có ưu thế về điều kiện về địa lý nên Nà Tông có sắc thái riêng không giống với bất cứ một bản vùng cao nào khác. Đồng bào dân tộc Tày nơi đây rất hiếu khách, khách đến nhà đều được thiết đãi những món ăn ngon nhất. Những món ăn đậm chất dân dã vùng cao như cá suối nướng, cơm lam nếp nương, sôi ngũ sắc, chè giảo cổ lam... Vào mùa lễ hội, bà con dân tộc Tày thôn Nà Tông còn tham gia Lễ hội Lồng tông do huyện tổ chức. Trong những ngày này, cùng những quả còn sặc sỡ, những thiếu nữ váy áo xúng xính tham gia hát then, gẩy đàn tính là hình ảnh nổi bật khắp bản làng… Ông Quan Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm cho biết, trong thời gian tới, để tăng cường phát triển du lịch cộng đồng, xã sẽ đề nghị huyện và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử cán bộ tổ chức về thôn Nà Tông tuyên truyền, tập huấn nâng cao chất lượng phục vụ du lịch trên địa bàn thôn và toàn xã.

Việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống của mỗi dân tộc tại các làng văn hóa trong tỉnh đang mở ra cơ hội phát triển du lịch rất lớn. Nhiều nét văn hóa tinh hoa, đẹp đẽ nhất của các dân tộc đều có thể tìm thấy tại các làng văn hóa nói trên, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá của bất cứ ai muốn trở về với nguồn cội.

Báo Tuyên Quang