Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và du lịch vào tỉnh Thanh Hóa lần đầu tiên được UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, đã có 13 giấy phép đầu tư được tỉnh trao cho các nhà đầu tư, hứa hẹn một sự tăng tốc mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào địa phương này thời gian tới.
Cảng hàng không Thọ Xuân
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thông báo: “Một thông tin đáng mừng cho nhà đầu tư là, bên cạnh Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa sẽ có thêm một cảng hàng không nữa. Cảng hàng không này đã được Chính phủ phê duyệt, với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng”.
Cũng theo ông Chiến, Khu kinh tế Nghi Sơn, một trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, được Chính phủ dành cho cơ chế ưu đãi đặc biệt, đang được mở rộng quy mô từ 18.000ha lên 66.000ha.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 8/2014, tỉnh thu hút thêm 50 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, trong đó 90% là dự án của nhà đầu tư Nhật Bản.
“Các nhà đầu tư Nhật Bản rất khó tính, nhưng họ đã đến Thanh Hóa, đã đầu tư, đã ‘chơi’ được với Thanh Hóa, thì các nhà đầu tư khác hoàn toàn có thể đến Thanh Hóa đầu tư và gặt hái thành công”, ông Chiến phân tích.
Ông Nakano Takashi, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào Thanh Hóa, bởi tỉnh này có nguồn nhân lực dồi dào, có cảng biển, nên thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Tỉnh cũng có 3 nhà máy nhiệt điện, đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các doanh nghiệp hoạt động.
Theo ông Nakano Takashi, với những thế mạnh sẵn có, tỉnh Thanh Hóa nên tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp có quy mô lớn, tận dụng lao động để giải quyết việc làm cho người lao động, như sản xuất tơ sợi, may mặc, điện tử.
Tại Hội nghị, tỉnh Thanh hóa trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án, đồng thời lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã công bố Dự án Nhà máy sản xuất soda chất lượng cao tại Khu kinh tế Nghi Sơn, với quy mô 100.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 39 triệu USD. Chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn hóa chất CIECH (Ba Lan).
Trong số 13 dự án được cấp phép, một số dự án FDI có thể giúp Thanh Hóa giải bài toán lao động, như góp ý của ông Nakano Takashi. Cụ thể, Dự án sản xuất giày dép xuất khẩu của Công ty TNHH Giày Sun Jade Việt Nam. Dự án này có quy mô 24 triệu đôi/năm, tổng mức đầu tư 60,5 triệu USD. Dự án đầu tư mở rộng này dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 9/2015.
Hay dự án khác là Nhà máy May Việt Pan-Pacific Thanh Hoá, do Công ty TNHH Việt Pan-Pacific Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất 1,9 triệu sản phẩm/năm, có tổng mức đầu tư 8,6 triệu USD. Dự án khởi công tháng 10/2014 và dự kiến đến tháng 9/2015 sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động.
Ở góc độ doanh nghiệp trong nước, ông Đặng Tất Thắng, Trưởng ban Dự án đầu tư của Tập đoàn FLC cho biết, hiện FLC đã và đang đầu tư lớn vào Thanh Hóa, như Dự án FLC Samson Beach & Golf Resoft (5.500 tỷ đồng), FLC multi-complex Building Thanh Hóa (1.200 tỷ đồng)…
“Thanh Hóa tạo cơ chế thoáng cho các nhà đầu tư. Không những vậy, tỉnh còn có ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư lớn”, ông Thắng cho biết và tỏ ra không ngạc nhiên khi năm 2013, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa xếp thứ 8.