Cơ hội quảng bá tiềm năng du lịch Thanh Hóa trong Năm Du lịch Quốc gia 2015
Cập nhật: 31/10/2014
(TITC) - Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, cách thủ đô Hà Nội 150km về phía nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.560km về phía bắc, Thanh Hóa là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia. Việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2015 là cơ hội để Thanh Hóa quảng bá tiềm năng du lịch, đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, từng bước khẳng định vị thế của du lịch địa phương.

Vườn quốc gia Bến En

Thanh Hóa có đường bờ biển dài 102km với nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn, thu hút rất đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng như: Sầm Sơn (TX. Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia). Xen kẽ giữa các bãi tắm là các cửa sông, dãy núi đá, hình thành những vũng đẹp, hoang sơ như vũng Gầm, vũng Thủy, vũng Biện…, đồng thời tạo cảnh quan sơn thủy hữu tình vô cùng độc đáo.

Thanh Hóa còn là địa phương có tài nguyên rừng lớn với 484.246ha diện tích đất có rừng, nơi quần tụ và sinh sống của nhiều loài động vật như: hươu, nai, hoẵng, vượn, khỉ, lợn rừng, các loài bò sát và các loài chim… Đặc biệt ở phía tây nam của tỉnh có rừng quốc gia Bến En (huyện Như Thanh), phía tây bắc có các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông (thuộc hai huyện Quan Hóa và Mường Lát), Xuân Liên (huyện Thường Xuân) là những nơi lưu trữ và bảo vệ các nguồn gien động, thực vật quí hiếm và cũng là các điểm du lịch hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng sở hữu nhiều hang, động đẹp như hang Từ Thức (huyện Nga Sơn), động Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa), động Hồ Công và Tiên Sơn (huyện Vĩnh Lộc), quần thể hang động ở huyện Quan Sơn…    

Được biết đến là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa độc đáo, Thanh Hóa là quê hương của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như: Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi, Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... Cùng với những trang sử oai hùng, Thanh Hóa hiện lưu giữ và bảo tồn 1.535 di tích, trong đó có 134 di tích cấp quốc gia, 412 di tích cấp tỉnh, tiêu biểu như: đền thờ Lê Hoàn, khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân); đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc); khu di tích lịch sử Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa); khu lăng miếu Triệu Tường (huyện Hà Trung); phủ Trịnh (huyện Vĩnh Lộc)... Đặc biệt, di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn độc đáo có một không hai ở Việt Nam và khu vực, là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, cảnh quan và quy mô kiến trúc còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Cùng với đó, hàng trăm lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ như hò sông Mã, hát xẩm xoan, múa đèn Đông Anh; các món ngon nổi tiếng như chè lam, nem chua… cũng đã góp phần hình thành thương hiệu du lịch đặc trưng của xứ Thanh.

Không chỉ chứa đựng lợi thế lớn về điều kiện tự nhiên và văn hóa lịch sử, Thanh Hóa còn nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi như: đường sắt xuyên Việt, đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 1, 10, 45, 47, 217; sân bay Sao Vàng, cảng biển nước sâu Nghi Sơn và hệ thống sông ngòi thuận tiện cho lưu thông Bắc Nam. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch tương đối hoàn thiện với hơn 670 cơ sở lưu trú từ trung bình đến cao cấp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Liên hoan Di sản thế giới; trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh; hành trình kết nối các di sản thế giới; kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng (1965 - 2015); liên hoan câu hò nối những dòng sông; liên hoan ẩm thực các tỉnh, thành phố có di sản thế giới; trại sáng tác điêu khắc đá quốc tế; lễ hội du lịch biển; những ngày văn hóa Nhật Bản tại Thanh Hóa; các lễ hội Lam Kinh, Lê Hoàn, Mai An Tiêm; công bố tuyến du lịch mới “Ngược xuôi sông Mã”; các sự kiện thể thao quốc gia và quốc tế. Đây là cơ hội để Thanh Hóa giới thiệu và quảng bá những danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước; mở rộng mối quan hệ hợp tác hữu nghị, hội nhập và phát triển, nâng cao vị thế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa Thanh Hóa với các địa phương trong và ngoài nước; đặc biệt là những tỉnh, thành phố có di sản thế giới nhằm phát triển du lịch nội vùng và liên vùng.

Phạm Phương