Quảng Yên (Quảng Ninh) đầu tư, tôn tạo các điểm di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch tâm linh
Cập nhật: 24/11/2014
TX. Quảng Yên là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá, với hệ thống các di tích lịch sử. Đây là nguồn tiềm năng to lớn cho hoạt động du lịch của thị xã nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác các tài nguyên này phục vụ cho hoạt động du lịch ở đây chưa đạt được hiệu quả tương xứng. Bởi vậy, TX. Quảng Yên đã và đang có những định hướng bảo tồn, tôn tạo để phát huy hết lợi thế các giá trị văn hoá, lịch sử nhằm góp phần phát triển, đẩy mạnh hoạt động du lịch trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng thị xã ngày càng giàu mạnh, văn minh.
 
Đền thờ Trần Hưng Đạo - TX. Quảng Yên (Quảng Ninh)

Anh Ngô Đình Dũng, Phó phòng Văn hoá Thông tin, TX. Quảng Yên cho biết: Hiện, Quảng Yên còn bảo lưu trên 200 di tích lịch sử văn hoá, với mật độ bình quân gần 1 di tích/km². Trong đó có 41 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt di tích lịch sử Bạch Đằng gồm 9 điểm di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (như: Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà, Đình Yên Giang, Bãi cọc Bạch Đằng, Đình Trung Bản...). Không những vậy, vùng đất này còn gắn liền với nhiều tên tuổi, thân thế và sự nghiệp của nhiều nhân vật lịch sử quan trọng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm...

Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác các di tích lịch sử văn hoá, đặc biệt là khu di tích lịch sử Bạch Đằng để phục vụ cho hoạt động du lịch văn hoá tâm linh của thị xã còn chưa được đầu tư thích đáng. Chẳng hạn như: Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch còn yếu. Việc tổ chức quản lý tại các điểm, khu di tích còn hạn chế. Chính vì vậy, công tác đầu tư tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hoá trọng điểm gắn với phát triển du lịch là điều cần thiết, quan trọng đối với địa phương. Thời gian qua, thị xã cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn có những định hướng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử gắn với hoạt động du lịch, điển hình như: Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Đình Yên Giang đã được khởi công từ tháng 3/2014 với mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Đến nay đã gia công xong toàn bộ cấu kiện gỗ Đại đình (gồm hệ thống cột, nẩy xà và tường rào, cổng phụ...). Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng giao thông thuộc khu di tích lịch sử Bạch Đằng (đường vào đền Trung Cốc, Trung Bản, đường vào Bãi cọc đồng Vạn Muối...) cũng đã có phương án đầu tư tôn tạo.

Ngoài ra, Di tích chùa Chè (Trà Linh Tự) cũng đã và đang được đầu tư tôn tạo, tu bổ với mức kinh phí trên 29 tỷ đồng với các hạng mục như: Chính điện Tam bảo, thất trụ trì, Nhà Ni - chúng... Hay như điểm tham quan đình Phong Cốc cũng đã được đầu tư xây dựng các điểm bán hàng lưu niệm, bãi đỗ xe, nâng cấp bến thuỷ nội địa, mở rộng đường giao thông quanh đình Cốc, làm biển chỉ dẫn du lịch, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Đối với miếu Tiên Công (xã Cẩm La), thị xã cũng đã lập quy hoạch bảo tồn và tôn tạo với các hạng mục: Tổng thể khuôn viên cây xanh, hồ nước, khu nhà trưng bày trình diễn, trình diễn nghệ thuật, khu nhà điều hành, khu nhà chức năng, khu miếu chính, cổng tam quan. Thị xã cũng đã và đang tích cực mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các dịch vụ phụ trợ phục vụ phát triển du lịch. Anh Ngô Đình Dũng nhấn mạnh: Việc tôn tạo, phục dựng di tích lịch sử văn hoá cần phải tôn trọng nguyên mẫu, giữ gìn những giá trị nguyên bản của di tích... và áp dụng quan điểm phát triển du lịch bền vững để khai thác các điểm di tích lịch sử này trong du lịch.

Thời gian tới, TX. Quảng Yên sẽ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các hạng mục khu Trung tâm du lịch lịch sử văn hoá Bạch Đằng, lấy di tích đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà làm trung tâm và tạo sự lan toả ra các khu vực xung quanh. Tập trung chủ yếu vào các hạng mục như: Khu biểu diễn thực cảnh, bãi cọc Bạch Đằng, Bảo tàng ngoài trời, quảng trường, công viên và tượng đài tranh hoành tráng... Thị xã sẽ tiếp tục huy động xã hội hoá các dịch vụ phụ trợ xung quanh khu trung tâm di tích như: Điểm trưng bày sản phẩm làng nghề sản phẩm thủ công truyền thống; sản phẩm ẩm thực địa phương; xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ thân thiện với môi trường. Đặc biệt, thị xã có chủ trương đề xuất mô hình quản lý theo phương thức “Đầu tư công, quản trị tư”, đấu thầu quyền quản lý cho doanh nghiệp có năng lực vào khai thác và phát huy giá trị khu trung tâm di tích lịch sử Bạch Đằng gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Báo Quảng Ninh