Kon Tum bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể
Cập nhật: 26/11/2014
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống xã hội, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả các hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
 

Hội thi nấu rượu ghè của nhân dân làng Đăk Lom, xã Hiếu, huyện Kon Plông

Là một tỉnh miền núi nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, với trên 53% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 06 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời là Bah Nar, Xê Đăng, J'rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, nên văn hóa Kon Tum rất đa dạng và đặc sắc. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và nay đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu. 

Về trang phục truyền thống, đã có hàng trăm bộ trang phục truyền thống của đồng bào DTTS được sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh. Trên địa bàn thành phố Kon Tum, hiện các làng dệt vẫn được duy trì để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và là các điểm để thu hút khách du lịch.

Ngành chức năng đã tổ chức xuất bản và tái bản nhiều cuốn sách phục vụ cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (như tái bản 03 tập Hồi ký cách mạng "Sống giữa lòng dân"; tái bản cuốn sách "Ngục Kon Tum" của Lê Văn Hiến và truyện ngắn "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyên Ngọc; xuất bản các cuốn sách như: “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng ở Kon Tum”; "Nghề đan lát của người Xơ Đăng ở Kon Tum"; “Di tích và danh thắng Kon Tum”; "Lễ bỏ mả của dân tộc Rơ Măm"; "Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng ở Kon Tum"; 02 tập sách ảnh "Di sản Văn hóa cồng chiêng huyện Sa Thầy"; "Di sản Văn hóa cồng chiêng huyện Đăk Hà"; tập sách ảnh "Tượng gỗ dân gian các dân tộc tỉnh Kon Tum" và cuốn "Nhà rông Kon Tum Bắc Tây Nguyên"…). Riêng trong năm 2013, Bảo tàng tỉnh đã triển khai sưu tầm, bảo quản và trưng bày trên 100 hiện vật có giá trị về văn hóa phi vật thể; sưu tầm 38 bộ phim (các thể loại) tại các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh và hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương để giới thiệu đến các du khách trong và ngoài nước. 

Hàng năm, tỉnh đã tổ chức cho các đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn ở trong và ngoài nước, như tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, trại sáng tác điêu khắc Tây Nguyên tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch định kỳ hàng năm tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum tại Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông). Đặc biệt, tháng 7/2014, đoàn nghệ nhân làng Đăk Wớk (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) đã tham gia trình diễn tại Cộng hòa Pháp. 

Đến nay, Kon Tum cũng đã phục dựng được trên 20 lễ hội truyền thống của 06 thành phần dân tộc thiểu số trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản do già làng và đồng bào tự thực hiện, để vừa khôi phục lại môi trường văn hoá dân gian truyền thống vừa phát huy được giá trị các di sản phi vật thể. Các nghi lễ, lễ hội đã được phục dựng như: Lễ hội mừng lúa mới (hoặc ăn cơm mới) của các tộc người Xơ Đăng, Bah Nar, Giẻ-Triêng; Lễ hội ăn trâu mừng nhà rông mới của các tộc người Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ-Triêng; Lễ hội bắc máng nước của tộc người Xơ Đăng; Lễ hội mừng nước giọt của tộc người Bah Nar (Rơ ngao); lễ hội PenChuPi (bắn heo, dê) của các tộc người Xơ Đăng (Tơdrá), Bah Nar (Jơ lâng); Lễ bỏ mả của dân tộc Rơ Măm… Sau khi phục dựng, các lễ hội tiêu biểu này được đồng bào các tộc người bản địa ở Kon Tum duy trì tự tổ chức theo chu kỳ hàng năm ở các cộng đồng dân cư với quy mô phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện. Theo kết quả điều tra của ngành văn hóa tỉnh, hiện Kon Tum có trên 200 di sản văn hóa phi vật thể đang còn duy trì trong các thôn, làng trên địa bàn tỉnh. 

Những nỗ lực của tỉnh thời gian qua về bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong công tác “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục, đó là: Một số tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc bản địa chưa được đẩy mạnh, bản sắc văn hoá chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc đã bị mai một; các nhân sự làm công tác văn hóa ở cơ sở còn thiếu thốn, chưa được đầu tư. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân dân gian và những người làm công tác nghiên cứu văn hoá dân tộc chưa được quan tâm đúng mức; các hình thức hoạt động văn hoá còn xơ cứng, giản đơn và chưa rộng khắp; kinh phí phân bổ cho việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc còn hạn chế, chưa kịp thời. Công tác xã hội hoá cho các hoạt động văn hóa còn nhiều khó khăn và hạn chế. Công tác tuyên truyền về văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS chưa thật sự chặt chẽ và sâu sắc.

ĐCSVN