Đồng Nai trùng tu tôn tạo di tích lịch sử thành Biên Hòa
Cập nhật: 04/12/2014
Thành Biên Hòa là ngôi thành cổ duy nhất còn sót lại trên đất Nam Bộ. Nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc khai phá đất Đàng Trong thời chúa Nguyễn, cũng như giai đoạn chống Pháp và Mỹ.
 

Ngày 3/12, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức khởi công trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử thành Biên Hòa (tọa lạc tại phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa, Đồng Nai). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 36 tháng.

Do tồn tại qua nhiều biến cố lịch sử nên đến nay, nhiều hạng mục trong thành cổ Biên Hòa đã bị mai một, số còn lại đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Dự án sẽ tập trung bảo tồn, tu bổ toàn bộ nhà cổ lớn phía Tây. Để thực hiện điều này, nhiều năm qua, Ban quản lý đã lấy ý kiến của các sở, ngành; làm việc, tiếp thu đề xuất, kiến nghị của các nhà nghiên cứu nhằm hoàn thiện hồ sơ. Nguyên tắc của dự án là phục hồi, sửa chữa nhà cổ theo những giá trị gốc.

Theo thư tịch cổ, thành Biên Hòa có từ thế kỷ 14 - 15 (được xây đắp bằng đất) với tên gọi ban đầu là Thành Cựu. Thành dài 338 trượng (1 trượng = 10 thước = 4,7 mét – theo chuẩn đo lường cũ của Việt Nam), cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức năm 1837), thành được xây lại bằng đá ong và đổi tên thành thành Biên Hòa. Năm 2014, thành Biên Hòa chính thức được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Chính Phủ