Ba di tích tại tỉnh Sơn La, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế đã chính thức trở thành Di tích Khảo cổ cấp quốc gia theo Quyết định số 4107,4108,4110/QĐ-BVHTTDL ngày 12/12/2014.
Cụ thể 03 di tích mới được công nhận gồm: Di tích Khảo cổ học Bãi đá khắc cổ Khe Hổ, Xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La; Di tích Khảo cổ Địa điểm Hòa Diêm, Xã Cam Thinh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; Di tích Khảo cổ Thành Lồi, Phường Thủy Xuân và Phường Thủy Biểu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong số 3 di tích được công nhận lần này thì Di tích Khảo cổ Địa điểm Hòa Diêm, Khánh Hòa còn khá nguyên trạng. Di chỉ này được phát hiện và bắt đầu khai quật từ năm 1999. Những năm sau đó, Bảo tàng tỉnh thường xuyên phối hợp với Viện KCH Việt Nam, các tổ chức nước ngoài tiến hành khai quật, nghiên cứu về di chỉ này. Di chỉ Hòa Diêm có niên đại từ thế kỷ V, VI trước công nguyên đến thế kỷ I, II sau công nguyên. Đây vừa là di chỉ cư trú, vừa là di chỉ mộ táng của cư dân tiền sơ sử. Với 4 địa điểm gồm: Hòa Diêm, Hòa Diêm 2, Gò Duối, Gò Miếu. Theo các nhà khảo cổ: Di chỉ Hòa Diêm có giá trị đặc biệt về mặt khoa học. Nó chứa đựng những nét đặc trưng về khu cư trú của cư dân thời tiền sơ sử, cũng như hình thức mộ táng của những cư dân này.
Di tích Khảo cổ Thành Lồi hiện nay toạ lạc trên địa phận 2 xã Thuỷ Xuân, Thuỷ Biều và một phần của phường Đúc (thành phố Huế), cách trung tâm thành phố khoảng 7km về hướng tây. Toà thành này được xây dựng trên đồi Long Thọ, phía tả ngạn sông Hương. Về mặt hình thể, quả đồi này uốn cong hình móng ngựa mở ra hướng sông Hương. Thành có dạng gần vuông, với các lũy Hướng Tây (dài 350m, rộng trung bình 10m, cao trung bình 3,5m), Nam (550m; 9m; 2,3m), Ðông (370m), và Bắc (750m). Hiện nay các bờ lũy không còn nguyên dạng trừ lũy Phía Tây, Ðông. Kết cấu lũy thành trên cơ sở lợi dụng triệt để địa hình tự nhiên, thành được đắp bởi 2 lớp đất, kè đá và gạch vỡ, một số đoạn đắp thêm lớp đất trên mặt.