Cần chiến lược quảng bá bài bản hơn cho du lịch Cát Bà
Cập nhật: 29/12/2014
Cát Bà thuộc huyện đảo Cát Hải là một trong hai điểm đến được Hải Phòng chọn là mũi nhọn trong chiến lược phát triển du lịch nhưng việc đầu tư để quảng bá cho hình đảo ngọc chưa được quan tâm đúng mức.
 

Theo hồ sơ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng, quần đảo Cát Bà bao gồm khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, Vườn Quốc gia Cát Bà, quần đảo Long Châu. Quần đảo này là khu vực có mức độ đa dạng cao nhất của các hệ sinh thái trong một di sản như rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh trên đảo, hang động, rừng ngập mặn, vùng triều, hồ nước mặn, rạn san hô, đáy mềm. Cho tới nay, tại quần đảo Cát Bà đã thống kê được 3.860 loài sinh vật, trong đó có 21 loài đặc hữu cho khu Di sản.

Di sản quần đảo Cát Bà là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới , chứa đựng các dạng sinh cảnh quan trọng cho việc bảo tồn nguyên vẹn giá trị đa dạng sinh học, trong đó có nhiều loài quý hiếm có giá trị toàn cầu được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại. 

Trong tổng số 3.860 loài thực vật và động vật trên cạn và dưới biển, có tới 130 loài được xác định là các loài quý hiếm đưa vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới, với 76 loài nằm trong danh mục quý hiếm của IUCN. Trong số này, có chín loài (một loài linh trưởng, hai loài rùa, sáu loài thực vật) được vật được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp.

Đặc biệt, loài Voọc Đầu trắng (Trachypithecus poliocephalus) là loài đặc hữu hiện nay trên thế giới chỉ còn một quần thể với 63 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà trong bảy khu vực khác nhau, được IUCN đánh giá là giá trị bảo tồn ngoại hạng toàn cầu.

Cát Bà không chỉ có giá trị đặc biệt cho các nhà nghiên cứu, quần đảo này cũng là địa điểm đến tuyệt vời để du khách nghỉ dưỡng, trải nghiệm cuộc sống hoang dã. Nơi đây có những bãi tắm nước xanh như ngọc. Du khách có thể đi tản bộ trên những con đường chạy quanh vách núi ven biển, chèo thuyền kayak, đi bộ, đạp xe xuyên rừng quốc gia từ 5-10 ngày để tới xã đảo xa nhất của Cát Bà là Việt Hải. Du khách cũng có thể tham quan trên vịnh Lan Hạ, hang quân y, thưởng thức những món ăn đặc sản của Cát Bà…

Hiện nay Cát Bà có 170 khách sạn với khoảng 4.000 phòng nghỉ, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của du khách trong thời điểm cao điểm như dịp Hè. Tuy nhiên, huyện đảo này vẫn đang mong muốn xây dựng được các tour đến du lịch huyện đảo trong mùa Đông. Khách du lịch đến đây trong các dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán để trải nghiệm cảm giác phóng khoáng, yên bình khi trời đất chuyển mùa, bỏ lại những bận rộn, lo âu phía sau lưng để đón chào một Năm mới với nguyện ước về sức khỏe, thành công và may mắn. 

Theo nhiều du khách, đến Cát Bà thời điểm mùa Đông thú vị không kém mùa Hè, nhất là tham gia du lịch xuyên rừng để đến làng chài Việt Hải. Tại xã đảo xa nhất này, du khách trải nghiệm cuộc sống đơn sơ, mộc mạc của hơn 200 con người sống tựa lưng vào núi, ngắm những cánh mai trắng khỏe khoắn - nét đẹp rất đặc trưng ở xã đảo này.

Với nhiều lợi thế nhưng Cát Bà chưa phát huy hết tiềm năng mà một trong những nguyên nhân là Cát Bà chưa tìm được cách quảng bá hình ảnh mạnh mẽ. Điểm nhấn duy nhất trong gây dựng hình ảnh đảo ngọc là chương trình Lễ hội làng cá diễn ra ngày 31/3 hàng năm. 

Theo ông Vũ Tiến Lập, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện Cát Hải, hiện nay du khách đến Cát Bà chủ yếu thông tin truyền miệng và sự giới thiệu của các hãng lữ hành. Các kênh cung cấp thông tin cho khách du lịch như tờ rơi, website nội dung chưa phong phú và giới thiệu nổi bật vẻ đẹp của đảo ngọc. 

Huyện Cát Hải cũng đã hướng tới xây dựng website tiếng Anh để giới thiệu tổng quan về vùng đất này với khách du lịch quốc tế nhưng vẫn… nằm trong kế hoạch vì thiếu kinh phí, nhân lực vận hành. Huyện Cát Hải đã đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho phát tờ rơi giới thiệu về Cát Bà tại phòng đợi của Sân bay Quốc tế Cát Bi tuy nhiên thành phố chưa thông qua.

Vietnam+