Lễ hội Đền Trần là Di sản quốc gia
Cập nhật: 26/12/2014
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh vừa ký quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL bổ sung 26 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có Lễ hội Đền Trần (Nam Định).

26 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Khan (Sử thi) của người Ê đê – Tỉnh Đắk Lắk; Ndrong (Sử thi) của người Mnông – Huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; Hơmon (Sử thi) của người Ba Na – Rơ Ngao – Tỉnh Kon Tum; Kéo co – Tỉnh Bắc Ninh; Kéo co ngồi – Phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội; Lễ hội Đền Trần – Phường Lộc Vượng, Nam Định...

Theo thông tin từ Bộ VHTTDL, Lễ hội đền Trần được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20/8 âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần. Ngoài ra, theo hồi cố của các bô lão, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng Rằm tháng Giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ khai ấn với sự tham gia của 7 làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc. Các làng rước kiệu các vị thần về tụ tập ở đền Thượng để tế các vua Trần. Nghi lễ này phản ánh một tập tục nghi lễ cổ: sau những ngày nghỉ tết, từ Rằm tháng Giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường. "Khai ấn" là mở đầu ngày làm việc của một năm mới. Đến nay, nghi thức khai ấn vẫn được giữ nguyên với những lễ nghi truyền thống, thu hút hàng vạn du khách.

Theo quy định hiện hành, các di sản văn hóa phi vật thể phải đáp ứng các tiêu chí sau mới được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Tính tới nay, đã có 94 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

thethaovanhoa.vn