Trong quá trình khai quật di chỉ gốm gò Chàm từ cuối tháng 12/2014, Bảo tàng Bình Định và Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã phát hiện rất nhiều hiện vật quý có niên đại từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15.
Qua gần 20 ngày tiến hành khai quật, trên diện tích 200m², các nhà khoa học đã tìm thấy 4 lò nung xây chồng xếp lên nhau. Lò thứ nhất chỉ tìm thấy từ thân lò đến hậu lò, xây theo hướng Đông - Tây, cửa lò quay về hướng Tây nhưng không xác định được kích thước cụ thể của khu lò này. Lò thứ hai nằm cách lò thứ nhất 2m, đã bị phá dỡ gần như toàn bộ, hiện chỉ còn 1 bờ tường phía Bắc và mặt nền lò cháy đỏ. Về kỹ thuật, tường lò xây hoàn toàn bằng bao nung, các bao nung xếp nằm ngang. Lò thứ ba và lò thứ tư xây theo hướng Bắc - Nam, đã bị phá, hiện chỉ còn một tường lò thuộc loại tường đất chạy phía Đông. Lò thứ tư xây theo hướng Đông - Tây, tường lò cũng thuộc loại tường đất nhưng đã bị phá hoàn toàn, hiện chỉ còn một đoạn tường lò và mặt nền cháy đỏ.
Về hiện vật, đợt khai quật lần này chủ yếu tìm thấy đồ gia dụng gồm chén, bát, đĩa, âu, lọ bình, vò. Đồ gia dụng chủ yếu có men đơn sắc; trong đó, men ngọc celadon gần tương đồng với men ngọc lò Long Tuyền (Triết Giang, Trung Quốc), chỉ khác là men tráng mỏng hơn. Đáng chú ý, trên sản phẩm gốm sản xuất tại lò này không tìm thấy hoa văn trang trí.
Hiện vật kiến trúc tìm thấy ở khu lò cũng khá đa dạng. Trong đó, có ngói móc kích thước lớn, ngói tráng men, vật liệu trang trí và gạch dùng để xây dựng tháp. Đặc biệt nhất là tìm thấy hai mảnh ngói đất nung dáng uốn cong hình lòng mo, dày 1cm và ngang 30cm. Đây là hiện vật hiếm, chưa tìm thấy ở những lần khai quật gốm cổ Chăm Bình Định trước đây. Hiện vật liên quan đến kỹ thuật chủ yếu chỉ tìm thấy bao nung và đầm.
Trường Cửu là tên một khu gò nằm dọc triền sông Côn, sát với bờ thành phía Đông của thành Cha - một trong bốn thành cổ Chăm ở vùng này. Theo khảo sát trên bề mặt khu gò, nhất là dọc triền sông Côn, phát hiện nhiều mảnh sành và gốm men. Tuy nhiên, do sự tàn phá của thiên nhiên vào những mùa mưa bão, khu lò nung gốm Trường Cửu đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.