Tiến sỹ Nguyễn Lê Huy, Trưởng ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang cho biết Ban Quản lý đã triển khai công tác bàn giao Di sản địa chất cấp quốc tế và Di sản địa chất cấp quốc gia cho Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Văn quản lý.
|
Hai di sản được bàn giao lần này gồm Di sản “ranh giới địa tầng” và Di sản địa chất cấp quốc gia “đá vôi đỏ”.
Di sản “ranh giới địa tầng” là điểm di sản địa chất cấp quốc tế đánh dấu sự mở đầu của một trong năm sự kiện hủy diệt hàng loạt thế giới sinh vật, một đột biến lớn trong sự phát triển của sinh giới. Còn Di sản địa chất cấp quốc gia “đá vôi đỏ” là một kiểu di sản đá vôi rất đặc biệt.
Cả hai di sản này đều được các nhà khoa học phát hiện ở đèo Sì Phài thuộc thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn.
Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang được gia nhập Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu ngày 1/1/2010 với tổng diện tích trên 2.350km² thuộc địa giới hành chính của 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang, gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là nơi chứa đựng nổi bật các loại hình di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học.
Qua điều tra, khảo sát, đánh giá, các nhà địa chất đã xác lập tại Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có 193 điểm Di sản cấp quốc tế, cấp quốc gia và cấp địa phương.
Đây là nơi có cảnh quan địa chất và kiến tạo đã tạo nên địa chất điển hình cho sự hình thành của lớp vỏ trái đất ngày nay. Về mặt hóa thạch, nơi đây các nhà địa chất đã tìm thấy hóa thạch cổ sinh của các loài sinh vật như Tay Cuộn, bọ Ba Thùy và nhiều loại hóa thạch cổ sinh khác có niên địa cách ngày nay khoảng 541 triệu năm.
Trước đó trong năm 2014, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng đã tiến hành bàn giao nhiều di sản cho Ủy ban Nhân dân các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc quản lý.
Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Lê Huy, việc bàn giao các Di sản địa chất cấp quốc tế và Di sản địa chất cấp quốc gia cho Ủy ban Nhân dân các huyện quản lý là một trong những nhiệm vụ chung trong công tác phân vùng, cắm mốc bàn giao cho cộng đồng địa phương quản lý.
Thông qua đó, các địa phương và bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn 4 huyện nằm trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cùng chung tay bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên phong phú để bảo tồn, gìn giữ và phát triển các Di sản trên Công viên Địa chất, góp phần phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con các dân tộc thiểu số.