(TITC) - Là huyện đảo duy nhất của tỉnh Bình Thuận, Phú Quý sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú. Nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch vốn có, huyện đảo Phú Quý tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với biển cũng như đa dạng hóa các loại hình du lịch hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững.
Thế mạnh du lịch
Nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 60 hải lý về hướng đông nam, huyện đảo Phú Quý có tổng diện tích 32km², bao gồm 10 đảo lớn, nhỏ nằm kề nhau: đảo Phú Quý, đảo Tranh, đảo Đen, đảo Trứng, đảo Giữa, đảo Đỏ, đảo Hải, đảo Đồ Lớn, đảo Đồ Nhỏ và đảo Đá Tý. Trong đó, đảo Phú Quý có diện tích lớn nhất (17,82 km²) và là đảo duy nhất của huyện đảo có dân cư sinh sống.
Được du khách gần xa biết đến với nhiều tên gọi Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu Long, đảo Phú Quý có cảnh đẹp thiên nhiên hữu tình hòa quyện với trời mây non nước cùng những đàn hải âu chao lượn quanh các vách đá sừng sững. Nơi đây có nhiều thắng cảnh đẹp (núi Cấm, núi Cao Cát, vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ - Gành Hang...) cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng (Vạn An Thạnh, chùa Linh Sơn, chùa Linh Quang, đền thờ Công chúa Bàn Tranh, miếu Bà Chúa, mộ Thầy,...), các cổ vật có giá trị (rìu, bôn, vòng đeo tay bằng đá...) minh chứng cho lịch sử khai phá đảo Phú Quý cách nay khoảng 2000-3000 năm. Hiện nay, đảo Phú Quý là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Chăm với bản sắc văn hóa miền biển đặc sắc, tiêu biểu là các lễ hội dân gian (rước sắc Thầy, Cầu Ngư...), các nghề thủ công truyền thống (nuôi cá lồng bè, đan gùi, đan võng, lặn mò ốc biển, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ vỏ ốc biển...).
Tài nguyên biển ở Phú Quý rất phong phú, bao gồm nhiều loại hải sản có giá trị như: đồi mồi, tôm hùm, cá mú, cua huỳnh đế, cua mặt trăng, ốc xà cừ ngọc nữ, hải sâm, bào ngư và những rạng san hô nhiều màu rực rỡ.
Những kết quả đạt được trong phát triển du lịch
Nắm bắt được tiềm năng du lịch phong phú, trong thời gian qua, Phú Quý đã chú trọng tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông đường biển, mở rộng đường vành đai, đường liên xã, xây dựng hệ thống kè biển, phát triển điện gió; quy hoạch chi tiết các khu du lịch, trong đó tập trung quy hoạch 5 khu du lịch với các sản phẩm riêng biệt (khu du lịch bãi tắm Doi Dừa, khu du lịch Bãi Nhỏ - Gành Hang, khu du lịch Mộ Thầy, khu du lịch vịnh Triều Dương, khu du lịch Hòn Tranh); quy hoạch, hình thành các tour, tuyến du lịch (tour câu cá và tham quan các đảo lân cận như: hòn Tranh, hòn Trứng, hòn Hải... bằng ca nô; tour tham quan núi Cao Cát, chùa Linh Sơn, miếu Bà Chúa Bàng Tranh, Mộ Thầy gắn với khu nuôi trồng hải sản ở Mộ Thầy; tour tham quan ngọn Hải Đăng, núi Cấm, chùa Linh Bửu; tour tham quan Vạn An Thạnh, nhà trưng bày xương Cá Voi, chùa Linh Quang, chùa Thạnh Lâm, chùa Linh Bửu; tour tham quan bè nuôi cá Mú Lạch Dù...); khôi phục phát triển nghề thủ công truyền thống, các hoạt động thể thao mạo hiểm; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Tính đến nay, toàn huyện đảo đã có 18 cơ sở lưu trú (trong đó có 13 nhà nghỉ, 5 nhà khách) cung ứng 99 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách.
Định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới
Để du lịch Phú Quý từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế xã hội của huyện, UBND huyện Phú Quý đã xây dựng “Kế hoạch phát triển du lịch Phú Quý giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”. Theo đó, Phú Quý tích cực triển khai công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch theo chuyên đề; xây dựng các làng nghề du lịch tiêu biểu; tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới; hình thành thêm nhiều tour, tuyến tham quan du lịch biển đảo. Trong thời gian tới, Phú Quý ưu tiên đầu tư phát triển các loại hình du lịch tham quan gắn với sinh thái biển, du lịch tín ngưỡng và du lịch làng nghề truyền thống. Lựa chọn du lịch sinh thái biển, du khách có cơ hội tham quan các đảo (Hòn Tranh, Hòn Hải) kết hợp câu cá giải trí, chế biến món ăn từ hải sản, khảo sát rừng nguyên sinh. Du lịch tín ngưỡng là dịp để du khách tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa (Vạn An Thạnh, chùa Linh Quang, chùa Linh Sơn...) và các lễ hội truyền thống. Tham gia loại hình du lịch làng nghề truyền thống, du khách sẽ được khám phá một số làng nghề mang tính đặc thù ở Phú Quý như: làng nghề nuôi cá lồng bè (xã Tam Thanh), làng nghề đan gùi, đan võng (xã Ngũ Phụng) và làng nghề lặn mò ốc biển (xã Long Hải) kết hợp trải nghiệm những sinh hoạt ngày thường của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, huyện đảo huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; khuyến khích đầu tư xây dựng nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng; chỉnh trang quy hoạch khu du lịch Long Vĩ, khu dã ngoại vịnh Triều Dương, khu Lạch Dù; kêu gọi đầu tư phát triển các đội tàu cao tốc, trung tốc, trước mặt tập trung củng cố và sắp xếp hợp lý lịch hoạt động tuyến tàu Phú Quý – Phan Thiết và ngược lại.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, Phú Qúy còn tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về gìn giữ, bảo vệ môi trường; khuyến khích các tour du lịch gắn kèm chương trình trồng cây xanh, làm sạch môi trường biển; xây dựng và thành lập lực lượng bảo vệ khách du lịch...
Với nỗ lực không ngừng, Phú Quý đang trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn du khách. Nếu như năm 2000, Phú Quý mới chỉ đón gần 1.000 lượt du khách thì đến năm 2014, con số này đã tăng lên 6.500 lượt, trong đó khách du lịch nội địa là 6.380 lượt, khách quốc tế là 120 lượt. Đây chính là động lực để Phú Quý tiếp tục đầu tư, khai thác tối ưu thế mạnh du lịch để trở thành một trong những điểm du lịch lý tưởng và bền vững của tỉnh Bình Thuận.
Thanh Hải