Sản phẩm mới của du lịch phố cổ Hội An (Quảng Nam) ngày càng thu hút đông lượng du khách quốc tế tham gia: học nghề làm nông, chèo thuyền thúng đánh bắt cá...
Khi khách Tây học nghề nông…
Ngày nay đến tham quan phố cổ Hội An, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các công trình kiến trúc: chùa Cầu, Hội quán Phước Kiến, Hội quán Quảng Đông... hay tham quan các làng nghề truyền thống như: làng nghề mộc Kim Bồng, làng nghề làm lồng đèn..., du khách còn có dịp hòa mình vào thú vui làm nông, chèo thuyền thúng đánh bắt cá trên sông.
Những ngày đầu năm mới năm 2015, hơn 100 hộ dân làng chài Phước Trạch (phường Cửa Đại, TP. Hội An) cùng anh Trần Văn Khoa lại bận rộn với hàng chục đoàn khách Tây xếp hàng chờ đăng ký học làm... ngư dân, bất chấp giá lạnh.
Từ khi sản phẩm ra đời đến nay, hàng trăm ngư dân của làng chài Phước Trạch cùng anh Trần Văn Khoa “mở lớp” dạy khách Tây chèo thuyền thúng, quăng lưới đánh bắt trên sông. Anh Khoa cho biết, chính cái nghề sông nước này đã giúp anh và bà con ngư dân thu hàng trăm USD mỗi ngày. Cuộc sống bây giờ đã cải thiện hơn nhiều. Lão ngư dân Bảy Chài cho biết: “Chỉ cần thả lưới khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ đã có ngay 100.000 đồng đó là chưa kể khách “boa” thêm. Ngày nào khách đông cũng kiếm được tiền triệu. Những năm trước, thu nhập bình quân mỗi hộ ngư dân là hơn 4 triệu đồng/tháng. Còn năm 2014, con số này tăng lên từ 6-8 triệu đồng, gấp 4 lần đánh bắt cá trên sông.
Sau một buổi học nghề, bà Tarja Halonen chia sẻ: “Đã đi nhiều nơi nhưng khi đến Hội An tôi mới cảm nhận được cái tình nồng ấm, sự chân thật của người dân cũng như sự thanh bình, thân thiện chỉ có ở nơi này”.
Bà Carlene Penkett (40 tuổi, người Canada) là nhân viên của Liên hiệp quốc về bảo vệ môi trường quyết định cùng chồng và 2 cậu con trai là Cole Penkett (11 tuổi) và James Penkett (7 tuổi) đến Việt Nam để được cưỡi trâu. “Tôi muốn các con mình có một trải nghiệm rất gần gũi với đời thường, tìm hoài chẳng nơi nào có như ở Hội An. Tôi cũng ủng hộ việc kinh doanh du lịch gắn liền với sự thương yêu động vật và thân thiện với môi trường như thế này”.
Dạy khẩu lệnh điều khiển trâu cho du khách
Du khách rất thích thú là được ngồi trên lưng trâu điều khiển trâu. Để du khách có thể tự điều khiển một con trâu vâng lời đi tới, đi lui, rẽ trái, phải hoặc dừng lại, việc đầu tiên là phải học “tiếng trâu” một cách thuần thục. Ông Lê Viết Nhiên (phường Cẩm Châu, TP. Hội An) là người sở hữu đàn trâu đến 14 con đang làm du lịch. Ông cho biết, muốn du khách điều khiển được con trâu thì phải dạy cho họ học thuộc các “khẩu lệnh”. Ông Nhiên khoe từ ngày làm du lịch, bầy trâu của ông mỗi năm cho thu nhập ít nhất 150 triệu đồng.
Là người đầu tiên thiết kế tour cho du khách cưỡi trâu ở Hội An, ông Trần Văn Khoa - Giám đốc điều hành Công ty lữ hành Khoa Tran Eco-Tour cho biết: “Việc đưa trâu vào du lịch là một thông điệp gần gũi nhất từ nền văn minh lúa nước của Việt Nam đến với quốc tế. Ngoài ra, tôi cũng muốn cải thiện đời sống người nông dân để họ nâng cao thu nhập từ cánh đồng và con trâu của mình. Ở Hội An bây giờ có khoảng 7 - 8 đàn trâu đang khai thác du lịch. Mọi thứ rất khả quan”.
Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là loại hình du lịch độc đáo mà Hội An đang khai thác rất hiệu quả. Bên cạnh việc đưa hình ảnh con trâu rất thân thiện của người Việt, cưỡi trâu tham gia làm nông, chèo thuyền thúng đánh bắt cá dọc bờ biển Cửa Đại đến với du khách quốc tế thì đây cũng là cơ hội tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm du lịch.