Khép lại năm 2014, Du lịch Bình Thuận tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn với tốc độ tăng trưởng cao cả lượng khách đến và doanh thu. Để không ngừng khẳng định thương hiệu trong năm mới 2015, du lịch Bình Thuận liên tiếp đón nhận nhiều tin vui.
Điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng
Đó chính là điểm nhận xét chung nhất của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Phan Thiết – Bình Thuận trong năm 2014. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2014 lượng khách đến đã tăng 10% so với năm 2013 với 3,7 triệu lượt khách và đạt tổng doanh thu 6.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng khách quốc tế có 400.000 lượt đến từ Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Úc, Hà Lan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia…
Điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng liên tục được giới thiệu thông qua công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh ngày càng chuyên nghiệp cả về hình thức lẫn tính hiệu quả. Thương hiệu du lịch biển Mũi Né - Bình Thuận ngày càng gần gũi và thân quen trong lòng du khách khi tham gia các sự kiện du lịch lớn như: Ngày hội Du lịch TP. HCM lần thứ 10 năm 2014; Liên hoan Làng nghề truyền thống Hà Nội, Liên hoan Ẩm thực Đồng Nai, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. HCM – ITE HCMC 2014. Đối với thị trường quốc tế, bên cạnh tích cực gửi ấn phẩm du lịch để giới thiệu tại các Roadshow tổ chức tại các quốc gia châu Á, hình ảnh thân thiện và hấp dẫn của du lịch Bình Thuận còn được quảng bá tại thị trường khách tiềm năng Liên Bang Nga khi tham gia Hội chợ du lịch nghi dưỡng Otdykn - Leisure Moscow 2014, Hội chợ ASEAN – CAEXPO tại Trung Quốc, Tuần lễ Văn hóa – Du lịch tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Hội chợ JATA tại Nhật Bản. Đến với Bình Thuận bạn sẽ có dịp tham quan và tìm hiểu rất nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa giữa một nền văn hóa đa dạng, lâu đời và đầy bản sắc của nhiều dân tộc như Kinh, Chăm, Hoa.
Không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách quốc tế và nội địa với nhiều điểm du lịch, sản phẩm du lịch mới hơn, các lễ hội truyền thống được gìn giữ và phát huy, nhiều sự kiện quốc gia, quốc tế tổ chức thành công như Hoa hậu Đại Dương Việt Nam, Giải Lướt ván buồm quốc tế, các giải vô địch Golf, Festival thuyền buồm, khinh khí cầu… Bình Thuận còn phát triển các sản phẩm du lịch chuyên đề văn hoá, thể thao trên biển, thể thao trên cát tạo sự hấp dẫn để thu hút du khách trở lại nhiều hơn. Bên cạnh đó, kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm giải trí, văn hóa, thể dục thể thao, mua sắm, chăm sóc sức khỏe để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch; tăng cường hợp tác với các địa phương để tạo ra các sản phẩm du lịch vùng, sản phẩm liên kết, tour tuyến du lịch độc đáo hấp dẫn như: Chợ Bến Thành – Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né, liên tuyến biển rừng Mũi Né – Đà Lạt; con đường ven biển Vũng Tàu – Mũi Né – Nha Trang.
Trung tâm Du lịch biển quốc gia
Một trong những cơ sở để Bình Thuận sẽ trở thành một trung tâm du lịch biển quốc gia chính là Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Trong đó, thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch quốc gia; Mũi Né là khu du lịch quốc gia trong không gian du lịch biển Nam Trung bộ; đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia. Cùng với định hướng phát triển thị trường và tạo ra các sản phẩm du lịch biển mang tính liên kết, Bình Thuận sẽ được ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch biển hấp dẫn. Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: “Bình Thuận sẽ là địa điểm để xây dựng Trung tâm du lịch - thể thao biển quốc gia và Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia…”.
Xác định là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của địa phương, tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2013 – 2020. Một trong những nhiệm vụ chính là phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận ngang tầm quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Sẽ tập trung nhiều nguồn lực để định vị ngày càng vững chắc thương hiệu du lịch Mũi Né – Phan Thiết ở các thị trường du lịch quốc tế và trong nước, giữ uy tín và đảm bảo chất lượng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu. Đến năm 2020, Bình Thuận sẽ là trung tâm thể thao biển quốc gia và là điểm đến nổi bật với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái rừng – biển – đảo kết hợp du lịch văn hóa, ẩm thực.
Bên cạnh “chương trình hành động”, du lịch Bình Thuận tiếp tục được quan tâm đầu tư thông qua Đề án quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, huy động cả nguồn vốn Nhà nước, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và nhân dân để phát triển du lịch. Tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, giải pháp quy hoạch, đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát chất lượng hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường và hợp tác phát triển du lịch. Ông Ngô Minh Chính – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết thêm: “Cơ hội để định vị thương hiệu du lịch biển Bình Thuận còn thể hiện rất rõ qua Nghị quyết phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 12 với nhiều nhiệm vụ và giải pháp thực hiện hướng đến một trung tâm du lịch quốc gia”.
Cùng với nét hấp dẫn rất riêng, hạ tầng giao thông đến Mũi Né – Bình Thuận đang hoàn thiện cũng là một điểm cộng hấp dẫn. Quốc lộ 1A đang khẩn trương mở rộng và sẽ hoàn thành vào quý 4 năm 2015. Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ khởi công vào quý 2 năm 2015 và hoàn thành vào năm 2017 kết nối với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây hiện hữu. Sân bay Phan Thiết sẽ chính thức khởi công xây dựng vào đầu năm 2015 và sẽ hoàn thành giai đọan 1 sẵn sàng đón khách vào năm 2017… khi đó, Mũi Né càng gần hơn trong mắt du khách.
Giữa không gian se lạnh của gió xuân đang về, hình ảnh những nụ cười rạng ngời của khách du lịch, những cử chỉ mời gọi du khách thân thiện của người dân địa phương… như tiếp thêm cơ hội và niềm tin cho ngành Du lịch Bình Thuận tiếp tục khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.