Bảo tồn, phát huy văn hóa 5 dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người
Cập nhật: 11/02/2015
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa của năm dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người với sự tham dự của 39 đại biểu là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu đến từ các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, Kon Tum.
 

Hội nghị này góp phần tạo điều kiện cho các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc dưới 1.000 người đề xuất, góp ý các giải pháp thiết thực, phù hợp để thiết thực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn nêu rõ cả nước hiện có 54 dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, dân số giữa các dân tộc không đều nhau, có dân tộc có số dân trên một triệu người như Tày, Thái... nhưng cũng có dân tộc chỉ có vài trăm người như Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.

Tuy số dân có sự chênh lệch đáng kể, nhưng các dân tộc vẫn coi nhau như anh em một nhà, quý trọng, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chung sức xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cả khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhìn chung đời sống kinh tế được cải thiện nhưng sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa còn lớn, trong đó vai trò của chủ thể, của người dân, của cộng đồng chưa được phát huy và đặt đúng vị trí. Các dân tộc có dân số ít đời sống văn hóa càng gặp nhiều khó khăn, một số dân tộc có nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn cũng cho biết các dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An và Kon Tum nơi điều kiện cuộc sống còn khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ đói nghèo tương đối cao, nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục... cũng bị mai một, thậm chí bị mất hẳn; có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống.

Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hóa của họ có sự pha trộn, giao thoa, mai một và có xu hướng bị đồng hóa. Đây là một thực tế rất đáng suy nghĩ.

Thời gian qua, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu dân tộc học đã có cảnh báo về nguy cơ mất bản sắc văn hóa truyền thống của năm dân tộc này.

Các cơ quan quản lý nhà nước đang tập trung các giải pháp, chính sách và dự án để hỗ trợ các dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.

Nhiều nhà khoa học và các đại biểu nhất trí cho rằng văn hóa các dân tộc do chính cộng đồng người của dân tộc đó sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ.

Nay muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc có dân số ít dưới 1.000 người không thể thiếu bàn tay, khối óc của chính cộng đồng các tộc người đó. Do đó, cần có chính sách đồng bộ nhằm tăng dân số các tộc người với các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tạo việc làm cho con em các dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu; đối với đồng bào phải di cư đến địa bàn khác cần được tạo điều kiện về đất đai, công cụ sản xuất...

Riêng về văn hóa, việc bảo tồn, phát huy giá trị phải có sự tham gia của người dân mới đảm bảo tính chính xác, chân thực bởi văn hóa không chỉ là dáng vẻ bên ngoài mà còn là văn minh, tâm hồn nghệ thuật của các tộc người.

Các đại biểu cũng khẳng định rằng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc có dân số dưới 1.000 người là hết sức cần thiết nhưng cũng nên chọn những nét tinh túy, đặc trưng nhất chứ không làm dàn trải.

Tại hội nghị này, các già làng, trưởng bản đại diện cho năm dân tộc có dân số dưới 1.000 người đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính đồng bào.

Ông Pờ Chà Nga, đại diện cho bà con dân tộc Si La đến từ Điện Biên, cho biết những năm qua, đời sống của bà con dân tộc Si La ở Điện Biên đã được cải thiện hơn rất nhiều. Thế nhưng khi mở rộng giao lưu, tiếp xúc với bà con các dân tộc khác trên địa bản, các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào cũng mai một dần. Trẻ em sinh ra đã không còn nói tiếng mẹ đẻ, không biết đến dân ca dân vũ, lễ hội truyền thống của dân tộc mình...

Viện trưởng Viện Dân tộc học Vương Xuân Tình cho hay để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu cần nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hóa của họ một cách kỹ lưỡng hơn nữa, việc này không chỉ do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu làm mà còn có sự tham gia trực tiếp và tích cực của cộng đồng các dân tộc.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tiến hành xác định thứ tự ưu tiên để bảo tồn, đầu tiên và quan trọng nhất chính là ngôn ngữ, sau đó là trang phục, nhà cửa, dân ca, dân vũ, lễ hội.

Trong các giải pháp để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc có số dân dưới 1.000, ông Vương Xuân Tình cũng đề xuất nên gắn bảo tồn với phát triển du lịch bởi du khách, nhất là khách du lịch quốc tế rất quan tâm đến văn hóa các dân tộc ở Việt Nam.

Vietnam+