(TITC) - Ngày 26/3/2015, tại khách sạn Mỹ Lệ, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án ESRT) do EU tài trợ tổ chức hội thảo giới thiệu Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh và giải pháp phát triển bền vững cho các cơ sở lưu trú du lịch.
Đây là hội thảo thứ 6 trong chuỗi 10 hội thảo được tổ chức tại các khu vực du lịch trọng điểm trên cả nước nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về phát triển du lịch bền vững cho các cơ quan quản lý du lịch; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững giữa các đơn vị tham gia.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Tham dự hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Thanh Bình; Tổng thư ký Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, chuyên gia Dự án EU Lê Mai Khanh; đại diện Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL); đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường); 60 đại biểu đến từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ sở lưu trú du lịch của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai cùng đại diện các đơn vị cung ứng giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Bà Lê Mai Khanh - chuyên gia Dự án EU phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường và Dự án EU đã cung cấp các thông tin về tình hình môi trường thế giới và khu vực; các quy trình, điều kiện để được cấp Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh, Nhãn xanh ASEAN cùng các giải pháp tiết kiệm năng lượng bằng hệ thống năng lượng mặt trời và bơm nhiệt. Hội thảo cũng đã nghe báo cáo điển hình của khách sạn Grand Palace (TP. Vũng Tàu), đơn vị đạt 5 Bông sen xanh và được trao danh hiệu Nhãn xanh ASEAN năm 2014 về những kinh nghiệm của đơn vị trong việc phát triển bền vững.
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, vấn đề sử dụng tài nguyên hiệu quả được coi là nhiệm vụ cần thiết, giúp các cơ sở lưu trú du lịch tiết kiệm chi phí thông qua giảm mức tiêu thụ tài nguyên; lường trước áp lực thị trường, thu hút và giữ chân nhân viên có chuyên môn; nâng cao thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp; tăng cường mối quan hệ và lợi ích lâu dài đối với cộng đồng địa phương; cải thiện khả năng và lợi thế cạnh tranh.
Các đại biểu tham gia thảo luận
Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định 1 trong 5 quan điểm chính để phát triển du lịch là “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”… Chương trình cấp Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh là một trong những nội dung cụ thể hóa Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam, thể hiện quyết tâm triển khai các hoạt động có trách nhiệm của ngành Du lịch bằng những hành động thiết thực nhất, phù hợp với xu hướng chung trong khu vực và trên thế giới.
Từ năm 2009 đến nay đã có 22 cơ sở lưu trú du lịch được trao danh hiệu khách sạn xanh ASEAN và 33 đơn vị được cấp Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh cấp độ từ 1 đến 5 Bông sen xanh.
Thực hiện: Thanh Bình - Phạm Phương