Là một địa điểm nổi tiếng trong tour du lịch hoài niệm (DMZ) thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, hàng năm Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) thu hút từ 6 - 7 vạn người đến chiêm ngưỡng “huyền thoại trong lòng đất”, thế nhưng hiện nay công tác phục vụ du khách còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
|
Đến thăm Vịnh Mốc vào những ngày tháng Tư lịch sử khi cả nước đang trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo chân đoàn cựu chiến binh Mỹ tham quan địa đạo, chúng tôi thấy sự ngạc nhiên của họ có mặt trong lòng pháo đài thép “bất khả xâm phạm” năm xưa.
Một làng quê thu nhỏ được người dân Vịnh Mốc kiến tạo bằng cuốc xẻng thủ công và sức người ngay dưới lòng đất. Dưới con đường hầm ngoằn ngoèo sâu hun hút, những căn hộ gia đình, nhà hộ sinh, nhà tắm, giếng nước, hội trường, hầm vũ khí… được xây dựng kỳ công, phục vụ cho cuộc sống người dân nơi đây trong chiến tranh.
Được ví như một huyền thoại, địa đạo Vịnh Mốc đã che chở cho người dân địa phương sống và chiến đấu an toàn trong chiến tranh.
Ông William, một du khách người Mỹ chia sẻ cảm xúc khi đặt chân xuống căn hầm địa đạo: "Thật không thể tin được, chỉ bằng ý chí, niềm tin và đôi tay của mình người dân Vĩnh Linh đã xây dựng được một công trình vĩ đại như vậy. Trong địa đạo, người dân nơi đây vẫn sống, chiến đấu và sinh con ngay giữa bom đạn ác liệt, tôi thấy rất khâm phục. Có lẽ chính vì ý chí, sức mạnh và tình yêu đất nước mà họ đã làm nên chiến thắng".
Trong chiến tranh, với phương châm “Một tấc không đi, một ly không rời”, địa đạo Vịnh Mốc được đào từ năm 1965 - 1967 gồm 3 tầng, dài hơn 2.000m, có hệ thống 13 cửa ra vào với 7 cửa thông ra biển và 6 cửa đi lên đồi. Địa đạo đã che chở, bảo toàn mạng sống cho hàng ngàn người dân Vịnh Mốc, đặc biệt từ dưới lòng đất này đã đón 17 đứa trẻ ra đời an toàn.
Đây cũng chính là căn cứ địa cách mạng chi viện cho chiến trường và đảo Cồn Cỏ. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, có những lúc trong lóng địa đạo chứa khoảng 1.200 người. Dưới mưa bom bão đạn của chiến tranh ác liệt nhưng không một người dân nào bị chết tại địa đạo.
Tại Vịnh Mốc chỉ có 82 nóc nhà nhưng phải hứng chịu lượng bom đạn rất lớn từ kẻ địch. Theo thống kê, từ năm 1966 - 1972, quân đội Mỹ đã trút xuống vùng đất này hơn 9.000 tấn bom đạn, tính trung bình mỗi người dân phải gánh chịu 7 tấn bom và 800 quả đại bác.
Tuy nhiên, bất chấp mưa bom bão đạn, người dân nơi đây vẫn sống và chiến đấu anh dũng, góp phần vào công cuộc đấu tranh giữ gìn và bảo vệ độc lập dân tộc.
Sau chiến tranh, Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc tồn tại như một nhân chứng lịch sử. Bắt đầu mở cửa đón khách du lịch từ năm 1983, hiện nay địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm hấp dẫn của tuyến du lịch nổi tiếng DMZ thu hút nhiều du khách đặc biệt là những cựu chiến binh Mỹ.
Họ đến để chiêm ngưỡng pháo đài kiên cố, tác phẩm của máu và nước mắt cùng ý chí kiên cường của người dân Vịnh Mốc. Mùa cao điểm du lịch tập trung từ tháng Ba đến tháng Tám, song từ đầu năm đến nay, địa đạo Vịnh Mốc đã đón gần 20.000 lượt khách trong và ngoài nước, ngày cao điểm đón trên 1.500 lượt khách.
Một niềm tự hào, vinh dự lớn đến với người dân Vĩnh Linh trong dịp lễ 30/4 - kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, địa đạo Vịnh Mốc và làng hầm Vĩnh Linh được đón nhận bằng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Cùng với di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, di tích Thành Cổ Quảng Trị và 6 di tích trên tuyến đường Trường Sơn thuộc địa bàn Quảng Trị… đây là hệ thống Di tích quốc gia đặc biệt thu hút mạnh mẽ du khách đến với đất thép Quảng Trị.
Tuy nhiên, hiện công tác phục vụ du khách tại Khu di tích địa đạo còn gặp nhiều khó khăn. Mở cửa phục vụ du khách đã hơn 30 năm, đến nay cơ sở vật chất của Khu di tích đã xuống cấp, cần được tu sửa tôn tạo. Đặc biệt, các dịch vụ phục vụ khách tham quan còn thiếu thốn, có rất ít các mặt hàng lưu niệm giới thiệu về Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc cũng như về đặc sản Quảng Trị được bày bán.
Bà Nguyễn Thị Loan, khách du lịch tỉnh Sơn La cho biết: "Sau khi tham quan địa đạo, chúng tôi muốn mua đồ lưu niệm cũng như đặc sản Quảng Trị về làm quà nhưng tôi thấy còn hạn chế, ít mặt hàng. Chúng tôi đi theo đoàn nên thời gian khá gò bó, số phòng đi vệ sinh rất ít nên phải chờ đợi rất lâu. Mong các cơ quan, ban ngành sớm đầu tư thêm các công trình dịch vụ, phục vụ nhu cầu du khách để Vĩnh Mốc trở thành điểm đến hấp dẫn của Quảng Trị…"
Một điểm cần thay đổi là bãi đậu xe của Khu di tích được tập trung ở ngay trước cửa Ban quản lý rất mất mỹ quan. Do diện tích nhỏ chỉ chứa được khoảng 15 chiếc xe ôtô nên những ngày cao điểm, khi có nhiều đoàn khách đến tham quan rất khó khăn trong việc quay đầu xe cũng như sắp xếp bãi đỗ cho các đoàn.
Chị Lê Thị Tố Hoài, Trưởng Ban quản lý Khu di tích địa đạo Vĩnh Mốc cho biết: Những năm qua, Khu di tích địa đạo Vĩnh Mốc luôn là địa điểm thu hút nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Là người con sinh ra và lớn lên tại đây, các thế hệ bố mẹ và ông bà từng đóng góp công sức xây dựng địa đạo, cá nhân tôi cũng như mỗi người dân Vĩnh Linh - Quảng Trị hãnh diện và vinh dự khi Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc được đón nhận bằng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác phục vụ khách du lịch như: hệ thống cơ sở vật chất đã xuống cấp, bãi đỗ xe của khu di tích còn nhỏ, các dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm còn hạn chế... Rất mong các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa, đầu tư cơ sở vật chất của Khu di tích địa đạo Vịnh Mốc để nâng cao chất lượng, phục vụ du khách được tốt nhất.