Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1592/QĐ-BVHTTDL, cho phép Sở VHTTDL Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật khảo cổ tại di tích chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Theo đó, thời gian tiến hành khai quật từ 20/5 đến 20/11/2015 trên diện tích 600m2. Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản, báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ, phát huy giá trị hiện vật.
Bộ VHTTDL yêu cầu chậm nhất 3 tháng sau khi kết thúc đợt khai quật, Sở VHTTDL Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ, sau 1 năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa. Các cơ quan được cấp phép có trách nhiệm tuyên truyền về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương trong thời gian khai quật, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Di tích chùa Bà Tấm, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội - Ảnh: Internet
Cụm di tích đền - chùa Bà Tấm thuộc địa phận xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, cách khu vực trung tâm Hà Nội gần 20km về phía Đông, trên Quốc lộ 5 đi Hải Phòng.
Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, chùa Bà Tấm được xây dựng từ thời Lý. Sự ra đời của ngôi chùa gắn với Nguyên phi - Hoàng thái Hậu Ỷ Lan - một nhân vật nổi tiếng của vương triều nhà Lý. Bà giỏi việc trị nước (hai lần nhiếp chính), khiến nhân tâm hoà hợp, đất nước thanh bình, nhân dân sùng Phật, tôn bà là Phật Bà Quan Âm. Bà được dân gian gọi là bà Tấm - là hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa như là 2 tượng sư tử (bệ thờ), kích thước rất lớn, tạo bằng đá liền khối cao 1,2m rộng 1,36m trong tư thế phủ phục, đường nét đặc biệt mềm mại. Sư tử ở đền Ỷ Lan đang vờn hòn ngọc, trên trán có trổ chữ Vương khẳng định vị trí chúa tể muôn loài, đồng thời cũng thể hiện uy quyền của vương triều. Trong đền còn có một thành bậc bằng đá chạm nổi rồng và lân đang chạy xuống. Thành đá dài 1,3m cao 0,8m. Cùng các di vật đất nung trang trí kiến trúc thời Lý đang được lưu giữ tại di tích.