(TITC) – Ngày 15/6/2015, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố phía Bắc với TP. Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố, bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn với TP. Hồ Chí Minh, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá giữa các địa phương liên kết.
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Lê Quang Tùng; Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn; đại diện Dự án EU-ESRT cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, hiệp hội du lịch một số tỉnh thành phố và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Lê Quang Tùng phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Lê Quang Tùng cho biết, trong những năm qua, du lịch Quảng Ninh đã có sự phát triển tốt. Cơ sở vật chất, hạ tầng về du lịch được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc; tỉnh đã tập trung hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; cải cách thủ tục hành chính… Với sự đầu tư mạnh mẽ đó, năm 2014, Quảng Ninh đã đón được 7,5 triệu lượt khách, trong đó có 2,6 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2013. Tuy nhiên, du lịch Quảng Ninh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, đặc biệt lượng khách du lịch từ phía Nam đến với Quảng Ninh còn thấp. Vì vậy, hội nghị hợp tác phát triển du lịch sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy trao đổi lượng khách giữa Quảng Ninh và 6 tỉnh phía Bắc với TP. Hồ Chí Minh và ngược lại.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao đề xuất liên kết du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phía Bắc với TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở kế thừa những mô hình hiện có là liên kết trên diện rộng, liên kết vùng và tiểu vùng. Liên kết trong phát triển du lịch đang trở thành xu thế tất yếu, phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu cuối cùng của phát triển du lịch, doanh nghiệp là động lực trong đó vai trò của các nhà đầu tư chiến lược là rất quan trọng để tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng. Các địa phương liên kết làm du lịch phải có sản phẩm, điểm du lịch đặc trưng, khác biệt với các tỉnh, thành khác, qua đó đẩy mạnh kết nối; liên kết quảng bá, xúc tiến chung ở nước ngoài, quản lý hoạt động điểm đến.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, TP. Hồ Chí Minh nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố và các địa phương trong cả nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế quốc gia và thế mạnh đặc trưng của từng miền trong cả nước. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch song phương và đa phương với 45 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã nghe các chuyên gia trình bày tham luận về các chủ đề: Những nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến liên kết phát triển trong xu hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch; Áp dụng nguyên tắc Du lịch có trách nhiệm trong mối liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố phía Bắc với TP. Hồ Chí Minh; Định hướng liên kết xây dựng các tour, tuyến và sản phẩm du lịch của TP. Hồ Chí Minh trong mối liên kết vùng với Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc…
Tám địa phương liên kết đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác
Các đại biểu cho rằng trong bối cảnh hiện nay, sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch là rất cần thiết và quan trọng. Qua đó, các địa phương cần cùng nhau điều chỉnh chính sách phát triển phù hợp với chương trình liên kết theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; nâng cao nhận thức về du lịch; hợp tác trong hoạt động nghiên cứu thị trường để xác định thị trường mục tiêu; hợp tác thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá; nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung hoàn thiện các dịch vụ bổ trợ; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực…
Tại hội nghị, 8 địa phương liên kết đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với các nội dung chính gồm: Phát triển sản phẩm du lịch; Quảng bá xúc tiến du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; Công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Tin, ảnh: Thu Thủy