(TITC) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiến hành khảo sát đánh giá khả năng xây dựng tuyến du lịch: TP. Lào Cai – Mường Hum – Sàng Ma Sáo – Kỳ Quan San – Núi Muối – đỉnh Bạch Mộc Lương Tử - Mường Hum – Y Tý – Bát Xát, trong đó điểm nhấn là đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.
Sau khi khảo sát, Sở sẽ báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét công nhận và đưa tuyến du lịch mới này thành tuyến du lịch thiên nhiên, văn hóa đặc trưng của Bát Xát.
Nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc ranh giới giữa hai xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) và xã Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), khối núi Bạch Mộc Lương Tử chiếm diện tích khoảng 11,2km² và có nhiều đỉnh núi cao, trong đó đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao nhất (3.046m) và là đỉnh núi cao thứ 4 ở Việt Nam, sau Phan Si Păng (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Pu Ta Leng (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), Pu Si Lung (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Thực vật bao phủ khối núi Bạch Mộc Lương Tử phân bố thành 3 lớp: thực vật nhiệt đới ở chân núi, thực vật cận nhiệt đới và ôn đới phân bố từ thân đến đỉnh núi.
Đường lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử rất khó đi với những dốc đá nối tiếp nhau dựng đứng lên trời, thi thoảng mới có đoạn đường bằng phẳng. Hai bên đường là những khu rừng rậm xanh tốt, điểm xuyết trong đó là những vạt rừng hoa đỗ quyên nở rộ đỏ tươi. Lên tới đỉnh, du khách sẽ thấy khung cảnh nơi đây như chốn bồng lai tiên cảnh với mây mù trắng xóa bập bềnh như những đợt sóng ôm lấy những đỉnh núi nhấp nhô. Tháng 1/2015, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử đã được đoàn du lịch phượt Pháo Sáng cắm mốc đánh dấu vị trí cao nhất của cả khối núi Bạch Mộc Lương Tử.
Để chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, du khách phải mất 3 ngày leo núi theo 2 hướng. Một là khởi hành từ bản Kỳ Quan San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); hai là từ bản Dền Sung (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).
Thanh Hải