(TITC) - Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 150km về phía nam, Thanh Hóa là vùng đất có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đặc sắc. Những năm gần đây, du lịch Thanh Hóa ngày càng phát triển, trở thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn du khách.
Với đường bờ biển dài 102km, Thanh Hóa có nhiều bãi tắm đẹp như Sầm Sơn (TX. Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến biển Sầm Sơn nằm cách TP. Thanh Hóa 16km về phía đông nam. Đây là một trong những khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam, được người Pháp khai thác từ những năm đầu thế kỷ 20. Chạy dài gần 6km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ, Sầm Sơn có bãi cát thoai thoải, sóng mạnh, nước trong xanh và nồng độ muối vừa phải, rất tốt cho sức khoẻ con người. Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho Sầm Sơn nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo như hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, núi Cô Tiên...
Bên cạnh tài nguyên biển, Thanh Hóa còn có tài nguyên rừng phong phú với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nơi lưu trữ và bảo vệ nguồn gen động thực vật quý hiếm. Điển hình trong số đó là vườn quốc gia Bến En thuộc huyện Như Xuân và Như Thanh, cách thành phố Thanh Hóa 36km về phía tây nam. Với tổng diện tích gần 15.000ha, Bến En không chỉ bao gồm quần thể núi, rừng, sông, hồ đa dạng, đặc biệt là hồ sông Mực rộng gần 4.000ha với hơn 20 hòn đảo lớn nhỏ mà còn có nhiều hang động nhũ đá lung linh huyền ảo. Vườn quốc gia Bến En là nơi cư trú của 1.460 loài động vật và 1.417 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: sói đỏ, phượng hoàng đất, gấu ngựa, báo lửa...; lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương... Đây cũng là địa điểm lý tưởng để du khách tham gia các hoạt động dã ngoại, cắm trại, câu cá, bắt cua… hay thăm các bản làng của người Mường, Thái.
Ai đã từng nghe câu chuyện về đàn cá thần ở mảnh đất xứ Thanh chắc hẳn đều muốn một lần đến thăm hang cá Cẩm Lương thuộc xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, cách thành phố Thanh Hóa gần 80km về phía tây bắc. Ở đây có đàn cá giốc (thuộc loại cá chép) đông tới hàng ngàn con bơi lội tung tăng dưới lòng con suối dài khoảng 150m, rộng 3m. Người dân địa phương coi đây là đàn cá “thần”, không bao giờ đánh bắt mà tự nguyện bảo vệ đàn cá với mong ước cuộc sống ấm no, sung túc.
Thanh Hóa cũng được biết đến như là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với bề dày lịch sử hào hùng và truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được Thanh Hóa bảo tồn, phát triển, đáp ứng nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách. Nhắc đến xứ Thanh, du khách gần xa thường nghĩ ngay đến địa danh Hàm Rồng – sông Mã (phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa), nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Núi Hàm Rồng là mỏm núi cuối cùng của dãy núi chạy dài bên hữu ngạn sông Mã từ làng Dương Xá (xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa) đến chân cầu Hàm Rồng. Núi có dáng hình uyển chuyển như 9 thân rồng nhấp nhô uốn lượn, bao quanh những đồi thông ngút ngàn và thung lũng thơ mộng. Hiện nay, Hàm Rồng đang được quy hoạch xây dựng thành khu du lịch văn hóa với các công trình tiêu biểu như: làng cổ Đông Sơn, núi Cánh Tiên, núi Ngọc, động Tiên Sơn, hang Mắt Rồng, đền thờ Trần Khát Chân, đền thờ Lê Uy, chùa Tăng Phúc…
Được xây dựng trên vùng đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, thành điện Lam Kinh nay thuộc thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam (huyện Thọ Xuân), xã Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc), cách thành phố Thanh Hóa hơn 50km về phía tây. Hiện nay, khu di tích lịch sử Lam Kinh có tổng diện tích bảo tồn khoảng 200ha với các công trình kiến trúc tiêu biểu như: chính điện Lam Kinh, Thái miếu, sân rồng, các lăng mộ Vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao… Ngoài ra, tại khu di tích còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.
Đến Thanh Hóa, du khách đừng nên bỏ qua dịp tham quan Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ nằm giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 45km về hướng tây. Với tổng diện tích 5.234ha, Thành nhà Hồ bao gồm các công trình kiến trúc chính là thành Nội, Hào thành, La thành và Đàn tế Nam Giao. Đây là kinh đô của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407 do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397. Nhờ kỹ thuật dựng thành độc đáo và sử dụng các nguyên vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn nên cảnh quan và quy mô kiến trúc Thành nhà Hồ theo suốt chiều dài lịch sử vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất. Đây được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong số rất ít còn lại trên thế giới.
Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Thanh Hóa có điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử…, từng bước khẳng định vị thế của du lịch xứ Thanh trong khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Phạm Phương