Nằm ở địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, Móng Cái là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh. Những năm qua, thành phố luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương.
|
Đền Xã Tắc (Phường Ka Long, TP. Móng Cái) |
Trên địa bàn thành phố hiện có 57 di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh, trong đó có 9 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đến nay, 16/17 xã, phường của thành phố đã thành lập ban quản lý di tích, thường xuyên làm tốt công tác kiểm kê, chống xuống cấp, phát huy giá trị di tích. Ban quản lý di tích các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nhân dân và khách tham quan hiểu giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí tôn tạo di tích hàng năm của Nhà nước, các di tích được tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được kiến trúc gốc.
Tiêu biểu như đình Trà Cổ được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1974. Tuy trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng đình Trà Cổ vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc, nghệ thuật cổ. Hiện đình còn lưu giữ được 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy... Nhiều di tích khác cũng được đầu tư trùng tu, tôn tạo như chùa Linh Sơn, Xuân Lan, Nam Thọ, đền Xã Tắc, đình Vạn Ninh...; 34 di tích đã được khoanh vùng bảo vệ; di sản văn hoá phi vật thể như lễ hội đình Vạn Ninh và di sản hát nhà tơ - hát cửa đình tại xã Vạn Ninh đã và đang được phục dựng, phát huy giá trị. 33 di sản văn hoá phi vật thể đã được kiểm kê, lập hồ sơ lưu giữ. Việc huy động các nguồn lực để phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với trên 10 dự án trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích được triển khai, tổng kinh phí trên 234 tỷ đồng.
Cùng với đó, thành phố triển khai nhiều đợt thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về di sản văn hoá; qua đó kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý, phát huy giá trị các di tích. Trên địa bàn thành phố hiện có 7 di tích được công nhận là điểm du lịch là: Đình Trà Cổ, chùa Xuân Lan, chùa Nam Thọ, đền Xã Tắc, Đồn Biên phòng 209 - Pò Hèn, địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của TP. Móng Cái, nhà thờ Trà Cổ. Thành phố xuất bản các ấn phẩm du lịch quảng bá về các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch. Tiêu biểu như ấn phẩm “Biển quê hương nơi địa đầu Tổ quốc”, “Những cột mốc văn hoá nơi địa đầu Tổ quốc”; cuốn sách “Khám phá du lịch Móng Cái”…
Thành phố luôn quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động quản lý và phát huy giá trị di sản văn hoá, thông qua việc cử cán bộ, nhân viên tham gia đầy đủ các đợt tập huấn về di sản văn hoá do Sở VHTTDL tổ chức, như: Tìm hiểu Luật Di sản văn hoá; nghiệp vụ kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể, quản lý và tu bổ di tích... Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo, lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia công tác quản lý nhà nước về di sản văn hoá.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và phát huy giá trị các di tích ở Móng Cái còn tồn tại một số bất cập và hạn chế, như việc kiện toàn, phát huy vai trò của ban quản lý di tích chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều thiếu sót trong công tác chống xâm hại di tích và tiếp nhận, sử dụng các khoản thu tại di tích; một số di tích đã được xếp hạng nhưng đến nay chưa được đầu tư, tôn tạo như đồi Trần Phú, đình Bầu; công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với du lịch chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo ra được sản phẩm của địa phương…
Thời gian tới, thành phố tiếp tục có những giải pháp để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Qua đó, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá của thành phố, của tỉnh và cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.