Bình Định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số
Cập nhật: 06/08/2015
Tỉnh Bình Định hiện có khoảng 40.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ba Na Kriem, Chăm Hroi và Hrê sinh sống tại 6 huyện trung du, miền núi, mỗi dân tộc đều có lối sống, sinh hoạt, phong tục tập quán riêng với các giá trị văn hóa độc đáo.
 

Nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển và giao thoa giữa các dân tộc trên địa bàn, nhiều bản sắc riêng đã và đang phai nhạt và có nguy cơ biến mất trong tương lai không xa. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định cần được đặc biệt coi trọng.

Nguy cơ mai một những giá trị văn hóa đặc sắc

Nghệ nhân Chăm Hroi Lê Văn Ru năm nay đã 78 tuổi, là già làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh. Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng ông vẫn có đôi mắt sáng, đôi tay linh hoạt và giọng nói rất vang. Ông là người thông thạo tất cả các nhạc cụ Chăm Hroi, các làn điệu dân ca và cả những nghi thức xa xưa. Ngoài việc tổ chức những nghi lễ trong làng, ông còn là nghệ nhân tiêu biểu của huyện Vân Canh, thường xuyên đem văn hóa Chăm Hroi đi biểu diễn ở nhiều nơi.

Nói về thế hệ hiện tại của làng, ông chia sẻ: “Thời buổi bây giờ thay đổi, con cháu không biết hát, cũng không biết múa. Trước mỗi lần đi biểu diễn là tôi phải bắt tập lại cho đúng, có khi phải mất đến 10 ngày”.

Theo ông Ru, để học hát dân ca, múa cồng chiêng không quá khó, nhưng phải được luyện tập thường xuyên. Những người già, nhiều kinh nghiệm sẵn sàng chỉ dạy. Nhưng lứa con cháu bây giờ còn bận đi học, đi làm nên thỉnh thoảng mới tập, chỉ gọi là biết chứ khó có thể nhuần nhuyễn được.

Tác động của 1 đời sống xã hội hiện đại đã dẫn đến một quan niệm sai lầm là đồng nhất giữa văn hóa và văn minh. Quan niệm này khá phổ biến và được chính các cộng đồng người dân tộc thiểu số tiếp nhận, làm giảm sự tự tin của họ về văn hóa và năng lực của tộc người mình. Sự tự ti, mặc cảm về các phong tục văn hóa và tri thức bản địa bị coi là “lỗi thời”, “lạc hậu” đã khiến không ít thanh niên dân tộc thiểu số chối bỏ nhiều phong tục, tập quán đã giúp họ thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội vùng miền núi, làm lãng quên những tri thức bản địa, làm mất đi những giá trị văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc mình.

Một nghệ nhân khác cũng luôn trăn trở với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đó là ông Nguyễn Hiếu 78 tuổi, phụ trách Câu lạc bộ cồng chiêng làng Tờ Lok, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh. Từ năm 2003, nhằm bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa cồng chiêng Ba Na, ông và dân làng đã thành lập câu lạc bộ này. Đến nay câu lạc bộ có 50 hội viên chính thức, sinh hoạt đều đặn hàng tháng, thường xuyên đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Thời điểm mới hoạt động, đích thân ông Hiếu đã đi từng nhà vận động bà con mang cồng chiêng của từng nhà ra góp chung để sinh hoạt tập thể.

Càng nặng lòng với các giá trị truyền thống bao nhiêu, thì ông Hiếu càng lo lắng bấy nhiêu: “Đến các lễ hội, nghi thức nhiều nơi cũng đã rút ngắn, cắt gọn thủ tục cho nhanh, thì làm sao con cháu hiểu được. Bây giờ bọn trẻ nhiều đứa còn không biết nói tiếng mình, không dám mặc khố, thì làm sao giữ được cái hay, cái đẹp của cha ông. Rồi mấy chục năm sau, lấy ai làm lễ cúng nhà Rông mới, cầu mưa, cúng Giàng nữa đây?”. Nói xong ông Hiếu cẩn trọng xếp gọn bộ 5 cồng, 8 chiêng, đem vào cất cẩn thận trong nhà sàn. Với những nghệ nhân già như ông, tiếng cồng chiêng cũng trân quý như lời dặn dò của cha ông ngàn đời vọng lại.

Khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc trong thế hệ trẻ

Là một người nhiều năm làm công tác văn hóa tại huyện miền núi xa nhất của tỉnh, ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện An Lão rất am hiểu các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số tại đây. Theo ông, để giữ gìn và phát huy truyền thống, việc cần nhất là phải giảng dạy cho thanh niên các dân tộc hiểu và tự hào về truyền thống của mình.

Ông Thành cho biết: Từ nhiều năm nay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã có nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy các phong tục, nghi lễ, văn hóa đặc trưng của đồng bào Hre, Ba Na. Như tại xã An Trung, Phòng đã vận động và tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào thành lập Câu lạc bộ hát, múa, nhạc dân tộc Hre. Đây là địa phương có nhiều nghệ nhân giỏi nên được chọn làm thí điểm, sắp tới sẽ thành lập một Câu lạc bộ như vậy của người Ba Na ở xã An Toàn.

Những nghệ nhân lớn tuổi cùng sinh hoạt và giảng dạy lại cho lứa sau, rồi tiếp tục cho lứa sau nữa, để các thanh niên có thể hiểu và yêu những truyền thống quý báu của dân tộc mình. Những giá trị văn hóa tộc người đặc sắc chỉ có thể được gìn giữ và trao truyền bởi chính những chủ nhân tương lai, là thế hệ thanh niên dân tộc đó. Mọi sự hỗ trợ, tiếp sức chỉ có ý nghĩa khi chính những thành viên của các tộc người hiểu rõ và trân trọng những giá trị truyền thống đặc sắc của tộc người mình, mong muốn và quyết tâm gìn giữ.

Không chỉ ở huyện An Lão, còn có nhiều mô hình câu lạc bộ khác đang hoạt động rất hiệu quả ở các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn... Ngoài sinh hoạt định kỳ tại địa phương, thì việc đưa các thanh niên đi biểu diễn, giao lưu, học hỏi tại các chương trình, lễ hội trong và ngoài tỉnh hết sức quan trọng.

Vừa qua, huyện An Lão đã đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Bình Định, thu hút gần 600 bà con dân tộc ở 6 huyện miền núi tỉnh Bình Định về biểu diễn, thi đấu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Ngô Đông Hải cho biết: Ngày hội được tổ chức định kỳ hai năm một lần, đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Ba Na, Chăm Hroi, Hre trên địa bàn tỉnh. Qua mỗi kỳ tổ chức, ngày hội đã giới thiệu được ngày càng nhiều vốn văn hóa đặc sắc, phong phú, độc đáo, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Đây cũng là một giải pháp của tỉnh trong việc bảo tồn và phát huy các văn hóa truyền thống.

Là một thành viên trẻ trong đội múa cồng chiêng, anh Đinh Văn Hưng 24 tuổi đến từ huyện An Lão hào hứng: “Mình học đánh cồng chiêng được một năm rồi, nhưng đây là lần đầu tiên mình đi biểu diễn tại lễ hội. Được giao lưu và mang văn hóa của dân tộc ra giới thiệu cho mọi người, mình thấy rất vui. Sau này mình sẽ tập nhiều hơn nữa, để góp phần lưu giữ truyền thống của cha ông”.

Còn chị Y Hơ Xim, 19 tuổi, đến từ huyện Vĩnh Thạnh tham gia biểu diễn đàn T’rưng và múa hát dân ca. Đã 3 lần được tham dự các lễ hội lớn nhưng lần nào chị cũng cảm thấy rất vui và muốn đi nhiều hơn nữa. “Mỗi khi mặc chiếc váy Ba Na đi biểu diễn, mình cảm thấy được là chính mình, một người con gái Ba Na. Mỗi dịp đi như thế này, mình lại hiểu thêm nhiều về văn hóa của cha ông, của dân tộc mình và các dân tộc anh em khác, qua đó càng thêm tự hào và thêm ý thức gìn giữ các nét đẹp này” - chị Y Hơ Xim khẳng định.

Tự hào về văn hóa của dân tộc mình chính là động lực giúp người dân tộc thiểu số thoát ra khỏi sự tự định kiến đã từ lâu tồn tại trong quan niệm và cách suy nghĩ. Những thành viên trẻ đã thấy tự hào khi mình chính là người lưu giữ truyền thống văn hóa của cha ông và được cộng đồng đón nhận, tôn trọng. Từ tự hào về truyền thống văn hóa, họ đã có những hoạt động cụ thể để đưa truyền thống văn hóa đó đến với mọi người và có hoạt động tích cực trong cộng đồng của mình. Như vậy, vấn đề cốt lõi trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số tại tỉnh Bình Định hiện nay, chính là khơi dậy, xây dựng lòng tự hào của thế hệ trẻ với chính bản sắc của dân tộc mình.

TTXVN