Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Côn Đảo là phát triển du lịch, lấy du lịch làm “trục xoay” để phát triển các ngành kinh tế khác, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Côn Đảo được đánh giá là huyện có tiềm năng phát triển du lịch, bởi nơi đây giàu tiềm năng, được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên đẹp và hài hòa. Côn Đảo có 200km bờ biển, trong đó có những bãi tắm đẹp còn đậm nét hoang sơ như Đầm Trầu, bãi Vông, bãi Nhát, bãi An Hải... được xếp là những bãi biển có chất lượng tốt của cả nước; với hệ thống di tích nhà tù, Vườn quốc gia, các lễ hội và văn hóa phi vật thể... đã và đang thu hút du khách trong và ngoài nước.
Những năm gần đây, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan ở Côn Đảo cũng được đầu tư xây dựng. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng như sân bay, bến cảng, phương tiện vận chuyển được quan tâm đầu tư phát triển và có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động du lịch trên địa bàn. Nhiều khu vui chơi giải trí du lịch chất lượng cao đã và đang hình thành, các phương tiện vận chuyển phục vụ du lịch khá đa dạng ở cả đường thủy, đường bộ và đường hàng không, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng các chỉ tiêu phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Thành Chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Côn Đảo cho biết, giai đoạn 2010 - 2015, Côn Đảo đã đón trên 440 nghìn lượt khách, trong đó có 87 nghìn lượt khách quốc tế, tăng bình quân 21,18%/năm. Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, doanh thu du lịch là 1.377 tỷ đồng, tăng bình quân 45,09%/năm.
Xác định lấy du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Côn Đảo đã không ngừng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Trong những năm qua, Côn Đảo đã thu hút được nhiều dự án lớn như: Dự án du lịch trong Vườn quốc gia Côn Đảo do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Côn Đảo Shangri-la Surfing Resort đầu tư, có vốn đăng ký 1 triệu USD; Khu du lịch Poulo Condor tại Bãi Vông - Cỏ Ống với vốn đăng ký 292,6 tỷ đồng... Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn huyện Côn Đảo đã có nhiều khu du lịch được đầu tư quy mô: Khu du lịch Việt - Nga, Khu du lịch Côn Đảo Resort, Khu du lịch Côn Đảo Residences, Khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo; Khu du lịch Resort Six Senese...
Theo Quyết định 1518 năm 2011 của Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030, Côn Đảo là khu kinh tế du lịch hiện đại trong khu vực và quốc tế, là khu vực bảo tồn di tích lịch sử có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử. Việc phát triển Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo phải phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, vùng Đông Nam bộ, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về tài nguyên biển, rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo, Khu di tích lịch sử đặc biệt Côn Đảo. Trong đó ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, văn hoá - lịch sử - tâm linh. Đồng thời gắn kết với thị trường quốc tế và nâng cao tính cạnh tranh với du lịch các đảo khác ở trong nước và khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, Côn Đảo trở thành Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hoá - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế, với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, chất lượng cao, mang đậm đặc trưng văn hoá truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành đô thị sinh thái.
Các phân khu phát triển du lịch Côn Đảo gồm trung tâm Thị trấn Côn Sơn, khu phố Pháp tại thị trấn Côn Sơn, khu vực lịch sử - văn hoá - tâm linh, cảng biển Bến Đầm, dải bờ biển hoang sơ, dải bờ biển cảnh quan, vùng núi Côn Đảo và hệ thống các đảo nhỏ. Phát triển các tuyến du lịch nội đảo xuất phát từ Thị trấn Côn Sơn đi các điểm tham quan: mũi Chim Chim - Cỏ Ống - vịnh Đầm Tre, bãi Ông Đụng - bãi Ông Câu - núi Thánh Giá, mũi Cá Mập - vịnh Bến Đầm. Khai thác các tuyến du lịch đi bộ, đi xe đạp trên hòn Bảy Cạnh. Hình thành các tuyến du lịch liên vùng, kết nối Côn Đảo với các thành phố khác. Kết nối Côn Đảo với các tuyến du lịch quốc tế đường biển đến các trung tâm du lịch lớn trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Để tiếp tục tạo sức thu hút các nhà đầu tư lớn, đưa Côn Đảo trở thành một khu du lịch - dịch vụ chất lượng cao, từ năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với địa bàn Côn Đảo, đó là giải quyết nhanh gọn thủ tục đầu tư, kinh doanh; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất giảm còn 10% và thời gian ưu đãi có thể lên tới 30 năm); giảm 50% thuế thu nhập cá nhân; miễn thuế nhập khẩu và áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0% đối với các chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, xác định nhiệm vụ trọng tâm của Côn Đảo là phát triển du lịch, lấy du lịch làm “trục xoay” để phát triển các ngành kinh tế khác, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn xây dựng công trình đường trục phía Bắc trung tâm huyện; nâng cấp sân bay Cỏ Ống; phục hồi tuyến bay từ Vũng Tàu đi Côn Đảo và ngược lại; tăng số chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo. Bên cạnh đó, trên cơ sở chính sách ưu đãi do Chính phủ phê duyệt, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên kêu gọi dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ tại Côn Đảo.