(TITC) - Tọa lạc trên ngọn núi Bông ở độ cao trung bình 12m so với mặt bằng khu dân sinh, giữa trung tâm thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhà thờ Đá Nha Trang là nhà thờ Công giáo có kiến trúc độc đáo mang phong cách Pháp.
Nhà thờ Đá Nha Trang có tên gọi chính thức là nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua, được linh mục người Pháp Louis Vallet, vị quản nhiệm cộng đoàn vùng Nha Trang (thuộc Giáo xứ Chợ Mới - Ngọc Hội) cho khởi công xây dựng dưới sự cố vấn kỹ thuật của kiến trúc sư Nesty vào ngày 3/9/1928. Đến tháng 5/1933, nhà thờ được cung hiến và khánh thành.
Nguyên vật liệu chính xây dựng nhà thờ là bê-tông cốt sắt và đá chẻ, tạo nên một bố cục chắc chắn, vững chãi với những khối lập thể nhỏ dần, vươn từ thấp lên cao. Ðiểm cao nhất của nhà thờ là đỉnh tháp chuông, nơi đặt cây thánh giá (cao 38m tính từ mặt đường). Trên tháp chuông còn treo bộ chuông đồng do hãng chuông nổi tiếng Bourdon Carillond của Pháp chế tạo và cung cấp; ngoài ra còn gắn 1 chiếc đồng hồ lớn, có 4 mặt quay ra 4 hướng.
Nhà thờ có diện tích 720m2, mang phong cách kiến trúc Gothic (Pháp) với đặc điểm nổi bật nhất chính là các vòm cuốn hình múi uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Hoa văn trang trí sử dụng những đoạn thẳng, được bố trí hài hòa, tạo vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần trang nghiêm. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả ánh nắng mặt trời, nhiều loại kính màu xanh, đỏ đã được lắp vào các cửa vòm, cửa hoa hồng của nhà thờ, tạo nên vẻ đẹp rực rỡ và sang trọng.
Dọc theo lối đi lên nhà thờ trên đỉnh núi Bông là những hộc nhỏ ghép vào tường đá đựng di cốt người quá cố nằm phía bên phải. Phía bên trái kéo dài đến mặt tiền nhà thờ là cụm tượng 14 chặng đường Thánh giá, tượng 12 thánh tông đồ và tượng Chúa Kitô Vua, tượng 24 vị thánh, trong đó có cả tượng Chúa Phục sinh, tạo nên một khu vườn tượng phong phú và đặc sắc.
Nhà thờ Đá Nha Trang được chọn làm nhà thờ Chánh tòa của giáo phận Nha Trang. Nhà thờ không chỉ là nơi để bà con giáo dân TP. Nha Trang đến dự lễ và cầu nguyện mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch.
Phạm Phương