Sáng ngày 23/8/2015, trong khuôn khổ các hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và ngày truyền thống ngành Văn hóa tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra buổi lễ tái hiện Lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu đến từ huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Theo ông A Lăng Sơn (thôn Arah, xã Tây Giang, tỉnh Quảng Nam): Đám cưới của đồng bào Cơ Tu thường được tổ chức ở nhà trai, từ lễ ăn hỏi tới lễ cưới được diễn ra với nhiều nghi thức truyền thống tốt đẹp vốn có. Đầu tiên nhà trai sẽ chuẩn bị sẵn mâm cơm, thịt để thiết đãi khách nhà gái gồm: đầu heo lớn, 2 chai rượu, bộ lòng, móng chân ở chính giữa, các món đặc sản khác được đặt xung quanh mâm lớn. Mâm cỗ này được đậy kín và chỉ được mở ra khi 2 bên thông gia đạt tình, hợp ý khi nói lý – hát lý xong…
Những người được đại diện bên nhà trai ngồi xung quanh mâm cỗ, đợi nhà gái đến, khi nhà gái đến, mọi người đều đứng dậy bắt tay nhau rồi mời nhà gái ngồi xung quanh xen kẽ với nhà trai. Khi chỗ ngồi ổn định, già làng bên nhà trai thưa chuyện nói lý trước, khi nói xong thì già làng bên nhà gái đáp từ nói lý tương tự và tiếp theo đại diện nhà trai hát lý. Trước khi nói lý và hát lý của hai bên gia đình, nhà gái cũng không quên góp phần vào mâm cỗ của nhà trai vài chai rượu thật ngon, cá ống to, gà luộc để chung với mâm cỗ của nhà trai đã để sẵn.
Sau phần đón khách là tới phần cúng sống (trước khi giết chết 1 con heo và 1 con gà), heo được đại diện nhà gái chọc tiết và gà được đại diện nhà trai cắt cổ và được làm sạch để luộc sớm phần đầu, lòng, móng để cúng chin. Sau khi đã chuẩn bị đồ cúng xong thì tiến hành làm lễ cũng do chính hai gia đình thực hiện.
Sau khi cúng xong nhà gái chuẩn bị những mâm cỗ gồm: thịt, cơm dẻo, rượu nồng để đãi nhà trai. Và tiếp đến là làm cỗ chiêu đãi toàn thể khách mời. Gia đình hai bên cảm ơn các vị khách mời đã tới dự lễ cưới cũng như chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.
Cuối cùng cô dâu trao tấm tút cho bố mẹ chồng và cái chiêng trao cho bố mẹ vợ. Đây được xem như sự thể hiện lòng tin của cô dâu, chú rể với bố mẹ hai bên, thay vì lời nói hạnh phúc trăm năm, mong sao cả hai gia đình luôn yên tâm, tin tưởng vào hai con. Cả hai bên gia đình và khách mời có mặt tại buổi lễ cưới tổ chức văn nghệ: nhảy múa, đánh trống, thanh la theo nhịp điệu Pơr Lư.
Ông Hoàng Minh Khoa (tổ 21, phường yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) du khách tới tham quan Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và được tham dự buổi lễ tái hiện Lễ cưới của đồng bào Cơ Tu chia sẻ cảm xúc: “Tôi rất vui khi được tham dự buổi lễ tái hiện Lễ cưới của đồng bào Cơ Tu đến từ tỉnh Quảng Nam - nơi cách Hà Nội hàng nghìn cây số, được thấy những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Qua đây tôi cũng cảm ơn ban lãnh đạo và công nhân viên Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thường xuyên có các hoạt động ý nghĩa như thế này để quảng bá những hình ảnh của cộng đồng 54 dân tộc anh em đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam”./.