Đầu tư 8 tỷ đồng để trùng tu 3 đến 5 nhà vườn Huế mỗi năm
Cập nhật: 08/09/2015
Ngày 7/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế họp với các đơn vị liên quan trong tỉnh để triển khai thực hiện đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng".
 
Nhà vườn Huế (Nguồn ảnh: Internet)

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ chi từ 5-8 tỷ đồng/năm để hỗ trợ trùng tu mỗi năm từ 3-5 nhà vườn Huế đặc trưng.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết với mức đầu tư trên, tỉnh hỗ trợ kinh phí trùng tu tối đa không quá 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 1; không quá 500 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 2; và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 3.

Ngoài các đối tượng nêu trên, tỉnh còn thực hiện chính sách hỗ trợ 100% lãi suất cho các hộ vay trùng tu nhà vườn, trong thời gian không quá 5 năm, với mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 500 triệu đồng/nhà vườn.

Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ các nhà vườn duy trì cảnh quan của vườn với mức 2 triệu đồng/năm/vườn, thời gian hỗ trợ không quá 5 năm kể từ ngày tham gia chính sách.

Đối với các nhà vườn có nhu cầu lập vườn tạo cảnh quan sinh thái, nâng cao giá trị nhà vườn phục vụ dịch vụ, được xem xét hỗ trợ chi phí khảo sát, thiết kế vườn tối đa không quá 5 triệu đồng/vườn; hỗ trợ tiền mua cây giống không quá 15 triệu đồng/vườn; hỗ trợ 100% lãi vay đối với phần vốn chủ nhà vườn vay các tổ chức tín dụng để đầu tư tạo lập vườn theo phương án đầu tư được duyệt (sau khi trừ tiền khảo sát, thiết kế, mua cây giống); mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 100 triệu đồng/vườn, thời gian hỗ trợ lãi vay không quá 5 năm.

Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn hỗ trợ 100% tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với phần diện tích đất tối đa không quá 5.000m² cho các nhà vườn tham gia chính sách bảo tồn; thời gian hỗ trợ là 5 năm tính từ ngày tham gia chính sách.

Đối với các hộ kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn, tỉnh hỗ trợ 100% lãi vay đối với phần vốn chủ nhà vườn vay các tổ chức tín dụng để tổ chức kinh doanh trong các nhà vườn; mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 200 triệu đồng/nhà vườn, thời gian hỗ trợ lãi vay không quá 5 năm. 

Địa phương hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/nhà vườn thông qua các cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề, kỹ năng về hướng dẫn viên du lịch phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà vườn.

Theo khảo sát của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Huế, trong số 152 nhà vườn tiêu biểu nằm trong danh mục của đề án bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010, có tới 52 nhà vườn có nhiều biến động; 14 nhà vườn đã tự tháo dỡ, xây dựng mới; 4 nhà vườn xin rút khỏi danh mục. 

Nguyên nhân là do số lượng nhà vườn được đề xuất bảo tồn lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của tỉnh. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ về thuế sử dụng đất không được áp dụng cơ chế đặc thù nên các chủ nhà vườn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng nhà vườn bị suy giảm hoặc bị biến mất trước khi được bảo tồn.

vietnam+