Cầu Rồng (Đà Nẵng) sẽ có thêm hiệu ứng âm thanh
Cập nhật: 25/09/2015
Ngày 22/9/2015, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì buổi họp góp ý kiến cho Đề án “Điểm nhấn âm thanh khi biểu diễn phun lửa, phun nước cho cầu Rồng”.

 

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn là Công ty Pro Light & Sound, hiện có 3 kịch bản sử dụng hiệu ứng âm thanh và nhạc khi cầu Rồng phun lửa, phun nước là Hào khí Việt Nam, Huyền thoại Rồng-Tiên và Nhịp sống thành phố.

 

Theo đó, kịch bản Hào khí Việt Nam là  sự phối hợp giữa âm thanh mô phỏng tiếng của Rồng, tiếng nước chảy và âm nhạc để kể về những chiến tích lẫy lừng của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm. Khi đất nước hòa bình mọi người chung tay xây dựng đất nước phát triển sánh ngang với bạn bè năm châu.

 

Kịch bản Huyền thoại Rồng-Tiên là biến tấu giữa âm thanh và ánh sáng tạo nên một không gian ấn tượng dẫn dắt mọi người về sử thoại con Rồng, cháu Tiên của dân tộc Việt; vượt qua gian khó trong chiến tranh giờ đây cùng nhau chung tay xây dựng đất nước, quê hương an bình hạnh phúc. Kịch bản Nhịp điệu thành phố là bản hòa tấu của những âm thanh sôi động, tràn đầy sức sống của một thành phố trẻ đang chuyển mình mạnh mẽ đi lên. Mỗi kịch bản có 3 phân đoạn: Khởi đầu, có dẫn dắt nội dung và kết thúc.

 

Thời lượng cho các kịch bản đều dao động từ 10-12 phút. Phương án lắp đặt hệ thống loa theo cụm và chia đều chiều dài thân cầu với điểm nhấn ở đầu và đuôi cầu Rồng. Hệ thống loa sẽ được lắp đặt trên các trụ có chiều cao từ 6-8m, với công suất mỗi loa từ 100-400W. Tổng kinh phí cho đề án là 6,4 tỷ đồng; kinh phí bảo trì, bảo dưỡng hàng năm 640 triệu đồng và kinh phí vận hành 480 triệu đồng/năm.

 

Các ý kiến tham gia cho rằng, 3 kịch bản được đầu tư khá kỹ về âm thanh và âm nhạc. Tuy nhiên cần chỉnh sửa thêm, trong đó lưu ý lời thuyết minh về huyền sử con cháu Rồng-Tiên của dân tộc Việt cũng như lời giới thiệu về lịch sử danh thắng Ngũ Hành Sơn cần tham khảo các nhà chuyên môn để đảm bảo sự chính xác và cô đọng hơn.

 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng biểu dương sự cố gắng của các cơ quan chuyên môn đã phối hợp tốt với đơn vị tư vấn để hoàn thành những kịch bản trên. Tuy nhiên, do đây là việc làm mới và khó, chưa có tiền lệ nên cần có thời gian chỉnh sửa và hoàn thiện thêm. Đầu tiên, kịch bản phải sát với vùng đất và con người Đà Nẵng hơn, làm sao khi âm thanh cất lên mọi người nhận ngay ra rằng mình đang đứng bên dòng sông Hàn của thành phố Đà Nẵng năng động. Về nội dung từng phân đoạn trong các kịch bản cần có sự tham gia của các ngành chuyên môn thành phố như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông... Đặc biệt phân đoạn kết của các kịch bản phải là sự gợi mở một tương lai tươi sáng của thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến sự phối hợp nhuần nhuyễn các phân đoạn trong một kịch bản cũng như sự chuyển đổi giữa phun nước, phun lửa và đan xen của âm thanh và âm nhạc.

 

Riêng về các bài hát lồng trong chương trình cũng cần phong phú, có thể luân phiên thay đổi để phù hợp với từng mùa, thời điểm đặc biệt trong một năm. Việc bố trí hệ thống loa phải đảm bảo âm lượng vừa đủ không ảnh hưởng đến khu vực nhà dân gần cầu, nhưng vẫn đủ sức thu hút, lôi cuốn mọi người ở một không gian rộng mở là sông Hàn. Các trụ loa không ảnh hưởng tầm nhìn tại đây. Ngoài ra cũng cần hoàn chỉnh chi tiết quy trình vận hành, bảo trì bảo dưỡng cho công trình được hoạt động tốt nhất và bền nhất. Để công trình có thể đưa vào sử dụng đầu năm 2016, chậm nhất đến ngày 15-10-2015, đơn vị tư vấn phải hoàn chỉnh kịch bản chi tiết trình lãnh đạo thành phố xem xét và triển khai các bước tiếp theo nhanh nhất.

Báo Đà Nẵng