Nhiều du khách trong và ngoài nước thích những sản phẩm dân dã, đậm chất thôn quê. Huyện Hòa Vang có tiềm năng hình thành một số tour du lịch sinh thái về miền quê dân dã như làng Thái Lai, một số làng nghề... Thế nhưng, việc đưa những sản phẩm này thành tour, tuyến du lịch ở Hòa Vang vẫn còn nhiều khó khăn.
Những tiềm năng du lịch
Giữa làng quê thanh bình, men theo con đường làng nhỏ, dưới tán những bóng cau xanh mát, ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường của ông Đỗ Hữu Minh (60 tuổi, thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) là điểm đến quen thuộc của khá nhiều du khách trong và ngoài nước.
Theo lời giới thiệu của chủ nhà Đỗ Hữu Minh, ngôi nhà này được thiết kế theo kiểu 3 gian 2 chái, làm hoàn toàn bằng gỗ mít, loại gỗ bền, ít mối mọt và do các thợ ở làng mộc Kim Bồng xây dựng trong suốt 3 năm. Ngoài ba gian của ngôi nhà cổ, xung quanh khuôn viên gần 5.000m² còn được chủ nhà trồng cây ăn trái, trưng bày các vật dụng làm nông nghiệp… nên được nhiều du khách tìm đến.
Ngoài không gian văn hóa nhà cổ, Hòa Vang còn sở hữu nhiều làng nghề như nghề làm chiếu ở Cẩm Nê, khô mè ở Quang Châu, đan tre ở Yến Nê, nón ở La Bông…; nhiều di tích lịch lịch sử văn hóa có giá trị như Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng, đình Bồ Bản, đình làng Túy Loan, đình làng Thái Lai…; giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Cơtu, nhiều lễ hội truyền thống… Tuy nhiên, tất cả đều ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác bài bản.
Xác định hướng phát triển
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Vang lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế trên lĩnh vực du lịch, chú trọng phát triển du lịch và sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện; khai thác các tiềm năng lợi thế của Hòa Vang như phong cảnh tự nhiên, sinh thái làng quê, di tích để quy hoạch, phát triển.
Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, để khai thác hiệu quả những lợi thế của huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đang xây dựng đề án “Xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng làng Thái Lai, xã Hòa Nhơn”, dự kiến đến năm 2017 sẽ đưa vào khai thác.
Theo đó, sẽ hình thành một số loại hình như du lịch sinh thái cộng đồng gắn với làng quê, du lịch làng quê gắn với các lễ hội, các di tích lịch sử văn hóa… Chính quyền đã khảo sát và dự tính sẽ khôi phục các làng nghề truyền thống vốn có tại địa phương, xây dựng mô hình du lịch ở nhà dân (homestay); các điểm phục vụ ẩm thực làng quê tại các hộ dân trong khu du lịch; trưng bày các nông cụ, phương tiện phục vụ lao động sản xuất từ trước đến nay; khu vực cắm trại và hoạt động ngoài trời…
Đề án đặt ra khá nhiều hạng mục hấp dẫn trong việc hình thành một khu du lịch sinh thái, tuy nhiên công tác triển khai sẽ còn nhiều khó khăn bởi đã là khu du lịch sinh thái cộng đồng thì phải có sự tham gia của chủ thể cộng đồng, chính là những người dân. Đề án sẽ tác động trực tiếp đến nếp sống, sinh hoạt quen thuộc của người dân tại địa phương, do đó cần phải có một quá trình để người dân thích nghi với việc phát triển du lịch tại địa phương.
Ông Nguyễn Thúc Dũng cho biết thêm, hiện tại du khách vẫn tự tìm đến một số điểm như nhà cổ, các đình làng… nên địa phương đang nỗ lực để hình thành một khu du lịch, trong đó phải đảm bảo tất cả các dịch vụ đi kèm như hệ thống đường giao thông, nhà chờ, điểm giữ xe… Điều địa phương muốn làm là tạo một điểm đến thực sự cuốn hút, giữ chân du khách để khi về họ sẽ nhớ và muốn quay trở lại.
Nếu được triển khai có hệ thống, bài bản thì du lịch sinh thái ở Hòa Vang sẽ là động lực cho phát triển ngành du lịch của huyện, đồng thời là một điểm đến mới của Đà Nẵng dành cho du khách trong và ngoài nước.