Bắc Ninh đầu tư hơn 32 tỷ đồng tôn tạo Đền thờ Kinh Dương Vương
Cập nhật: 02/11/2015
Ngày 31/10, tại Đền thờ Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức khởi công công trình tu bổ Đền thờ Kinh Dương Vương. Đây là hoạt động nằm trong chương trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa quốc gia Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương.
 
Đền thờ Kinh Dương Vương. (Ảnh: bacninh.gov.vn)

Với tổng kinh phí đầu tư 32,3 tỷ đồng, các hạng mục được tu bổ bao gồm: Tiền đường, Hậu cung thuộc Đền chính; Nghi môn; nhà khách; nhà kho lưu trữ đồ tế; lầu hóa vàng; nhà vệ sinh; hạ tầng kỹ thuật gồm tường bao quanh, sân vườn, hệ thống điện nước; nội thất đồ thờ.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong, các nội dung tu bổ đều dựa trên cơ sở theo nguyên mẫu, kiến trúc cổ truyền thống; sử dụng vật liệu truyền thống để tu bổ, phục hồi di tích và sử dụng vật liệu hiện đại, bền vững để tu bổ, tôn tạo di tích… Trong suốt quá trình đầu tư, tôn tạo sẽ làm nhà bao che tòa Tam bảo, công trình sẽ được làm theo hình thức cuốn chiếu. Trong quá trình triển khai dự án, đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, chính quyền và nhân dân địa phương, ban quản lý di tích thường xuyên phối hợp chặt chẽ bảo đảm đúng tiến độ, mỹ thuật công trình.

Theo các thư tịch cổ, Kinh Dương Vương là thủy tổ của dân tộc, là vị vua đầu tiên có danh vị của đất nước ta; là thân phụ của Lạc Long Quân - Đức Quốc tổ Việt Nam. Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ được xây dựng từ lâu đời, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) được trùng tu và đặt văn bia. Hiện nay, quần thể di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu có giá trị quý báu; là nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng và thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta. Qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc cho các thế hệ con cháu Lạc Hồng hướng về nguồn cội. Di tích được Bộ Văn hóa công nhận là di tích quốc gia năm 1993.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích có ý nghĩa to lớn. Sau khi công trình hoàn thành, cùng với chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành cổ Luy Lâu, Đền và Lăng Sỹ Nhiếp… sẽ góp phần phát triển du lịch Thuận Thành, làm rạng rỡ thêm văn hóa vùng Kinh Bắc đậm đà bản sắc dân tộc.

TTXVN