Phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi Thanh Hóa
Cập nhật: 08/03/2016
Thanh Hóa có một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng, cảnh quan đẹp, trù phú với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước, Quan Sơn), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu (Quan Hóa, Mường Lát), Thác Hươu(Bá Thước); Bến En (Như Thanh), thác Ma Hao (Lang Chánh), động Bo Cúng và núi Lá Hoa (Quan Sơn), Thác Mơ, suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Thác Mây, Thác Voi (Thạch Thành), Thác Trai gái, đền Cửa Đặt (Thường Xuân), cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn)…

Vùng miền núi Thanh Hóa là địa bàn cư trú của các dân tộc Mường, Thái, Mông, Thổ, Khơ mú, Dao, Kinh… mang bên mình bản sắc văn hoá phong phú, đa dạng, đặc sắc, tạo nên bức tranh đa sắc về đời sống văn hoá, xã hội. Từ văn hoá nhà, đến văn hoá mặc, văn hoá ẩm thực, đến văn hóa trong tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội... đều toát lên những nét bản sắc văn hoá độc đáo, riêng có. Về lễ hội: Dân tộc Mường có lễ hội Pồn Pông, Khai Hạ, lễ tục Làm vía kéo Xi, lễ Mừng cơm mới, Sắc bùa; Dân tộc Thái có Lễ hội Kin chiêng boọc mạy; Lễ hội Nàng Han; lễ hội Mường Khô; Lễ hội Mường Ca Da, lễ hội Mường Piềng Muốp; lễ hội Mường Xia; lễ Cầu nước; lễ hội Căm mương; Dân tộc Thổ có lễ hội Đình Thi; Dân tộc Dao có lễ Cấp Sắc, Tết nhảy; Dân tộc Khơ Mú có Lễ Xên; Dân tộc Mông có lễ hội Tén Tằn… Về dân ca, dân vũ, nhạc cụ: Dân tộc Thái có Khặp giao duyên, Hát ru; nhạc cụ: Khua Luống, Khèn bè, Boong bu, Sáo, Trống chiêng, Pí Mốt; múa Cá sa, múa Trống chiêng, múa Chá Chiêng...; Dân tộc Thổ có hát Trống chiêng, hát Đối đáp, hát ru, hát giao duyên, hát chậm đò ho...; múa giã cồn, Chậm đò ho...; Dân tộc Mông có Múa ô, múa khèn, hát gâu plềnh...; nhạc cụ: Sáo, Khèn bè, Đàn môi, Khèn lá...; hát gầu, hát giao duyên; Dân tộc Dao có hát giao duyên, hát ru, hát chào hỏi- đối đáp; hát Pả Dung; múa Chuông, múa Rùa, hát múa trong nghi lễ; nhạc cụ: não bạt..; Dân tộc Khơ mú có hát Tơm; Dân tộc Mường có hát ru, hát giao duyên (xường trai gái), hát Séc bùa, hát nghi lễ, diễn xướng Mo Mường, múa Pồn pông nhạc cụ Cồng chiêng...

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa còn lưu giữ được không gian văn hóa làng với các nếp nhà sàn truyền thống, trang phục, trang sức của đồng bào Thái, Mường, Dao, Mông còn lưu giữ khá nguyên vẹn, thể hiện đậm nét tập tục sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của dân tộc, tiêu biểu như  làng Mường Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, (Cẩm Thủy); bản Thái Xia Tớ, xã Sơn Thủy, (Quan Sơn); Làng Đồi Muốn, (Bá Thước); làng người Thái, bản Năng Cát (Lang Chánh)… Ẩm thực của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh hóa không cầu kỳ nhưng hấp dẫn bởi hương vị của núi rừng, của tự nhiên như canh đắng, măng đắng, rau sắng, cơm Lam, rượu Ngô của người Mông, rượu cần của người Thái, Mường, vịt Cổ Lũng, cá mè sông Mực… hệ thống các làng nghề truyền thống mang đậm sắc thái tộc người còn lưu giữ khá nguyên vẹn, đó là nghề Dệt Thổ cẩm, làm rượu cần, đan lát thủ công của dân tộc Mường, Thái, Thổ, Khơ Mú, Dao, Mông; nghề kim hoàn, chạm khắc bạc của người Mường, người Dao; nghề rèn của người Mông...

Đồng bào các dân tộc vùng miền núi Thanh Hóa những năm trở lại đây đã từng bước làm quen và tự nguyện tham gia các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, loại hình du lịch cộng đồng cũng bắt đầu hình thành và phát triển tại khu du lịch Pù Luông, khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương, làng Năng Cát, xã Trí Nang, Lang Chánh gắn với thác Ma Hao, vườn quốc gia Bến En… Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây đang còn nhỏ lẻ, tự phát, dàn trải, chưa có sự tham gia, vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, du lịch cộng đồng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và giá trị đặc sắc của các loại hình văn hóa đang lưu giữ trong cộng đồng, sản phẩm du lịch tại một số khu, điểm du lịch còn nghèo nàn và đơn điệu, chủ yếu sản phẩm du lịch ẩm thưc (đặc sản của địa phương); không có sản phẩm đặc thù cung cấp cho du khách; hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất du lịch tại một số khu điểm du lịch chưa được chú trọng, quan tâm đầu tư, công tác xã hội hóa các hoạt động du lịch phục vụ khách tại các bản còn nhiều hạn chế. Nhận thức của cộng đồng về du lịch còn chưa được đầy đủ. Năng lực của cộng đồng trong hoạt động kinh doanh du lịch chưa cao. Kỹ năng nghề còn yếu dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nguồn nhân lực tham gia làm du lịch chưa được đào tạo bài bản, nên kỹ năng giao tiếp ứng xử và tham gia vào các hoạt động kinh doanh du lịch chưa cao.

Để loại hình du lịch cộng đồng tại miền núi tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch, văn hóa bản địa của các dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc miền Tây tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng yêu cầu và xu thế phát triển tất yếu của du lịch tỉnh Thanh, chúng ta cần có những giải pháp mang tính đồng bộ và đột phá như sau:

- Thứ nhất: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch nhạy cảm với cuộc sống hiện tại và văn hóa truyền thống của người dân bản địa, nếu chúng ta làm tốt nó có tác động sâu sắc đến xã hội, giúp cho việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, các di tích văn hóa, lịch sử của cộng đồng dân cư làm du lịch... Vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng tại miền núi tỉnh Thanh Hóa cần tính toán những tác động của hoạt động du lịch tới đời sống văn hóa của động đồng, làm thể nào để đồng bào vừa tham gia làm du lịch vừa bảo tồn được văn hóa bản làng, văn hóa đặc sắc của địa phương…

- Thứ hai: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch có sự khác biệt lớn so với các loại hình du lịch khác. Khách du lịch cùng ăn - cùng ở - cùng sinh hoạt với người dân, do vậy cần được tổ chức và quản lý một cách khoa học, phải có sự tham gia của các cấp chính quyền, sự tham gia hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan quản lý về du lịch, sự hợp tác, đồng thuận giữa chính quyền địa phương và cộng đồng, tránh những tác động xấu đến cuộc sống của cộng đồng địa phương.

- Thứ ba: Phát triển du lịch cộng đồng cần gắn với việc khôi phục, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, làm sống dậy văn hóa bản địa của tộc người, không pha trộn, du nhập văn hóa ngoại lai. Việc gìn giữ, bảo tồn và duy trì các thói quen văn hóa đích thực của đời sống hằng ngày, phong tục tập quán bản địa là những yếu tố thu hút khách du lịch đến với cộng đồng, là yếu tố cần được bảo vệ vì lợi ích lâu dài. Vì vậy, nhất thiết phải tập huấn, tuyên truyền cho cộng đồng nhận thức một cách thấu đáo, sâu sắc và có ý thức trong quá trình làm tham gia làm du lịch tại địa phương.

- Thứ tư: Cần có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch là người dân bản địa, cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực của cộng đồng trong việc tham gia hoạt động du lịch. Tập huấn nghiệp vụ quản lý hoạt động du lịch, dịch vụ ăn uống, lưu trú, văn hóa giao tiếp ứng xử và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường…

- Thứ năm: Khai thác, phát triển sản phẩm du lịch bản địa, có thể là các món ăn đặc sắc của núi rừng, hoặc lễ hội truyền thống, sắc phục trong không gian văn hóa làng bản.., giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch cộng đồng.

- Thứ sáu: Một khu điểm du lịch chỉ có thể phát triển nhanh, mạnh và bền vững khi chúng ta có hệ thống giao thông đi lại thuận lợi, các điều kiện ăn, nghỉ của du khách được đảm bảo; không gian văn hóa du lịch đậm nét cổ truyền, khu điểm du lịch được kết nối tour tuyến hợp lý, phù hợp với lộ trình của du khách, là yếu tố quan trọng để du lịch cộng đồng phát triển ở vùng núi Thanh Hóa…/

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa