Sáng ngày 16/3, huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) long trọng tổ chức Lễ hội Kỷ niệm 132 năm Khởi nghĩa Yên Thế tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Hoàng Hoa Thám (thị trấn Cầu Gồ).
Đây cũng là lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Cách đây 132 năm (ngày 16/3/1884), tại đình làng Hả, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, thủ lĩnh Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) đã làm lễ tế cờ chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang của nông dân Yên Thế chống lại triều đình phong kiến và thực dân Pháp xâm lược. Tiếp tục giương cao ngọn cờ khởi nghĩa của Đề Nắm, người anh hùng Hoàng Hoa Thám với tài chỉ huy sắc bén, chiến thuật linh hoạt đã cùng nghĩa quân Yên Thế tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, gây thiệt hại nặng nề và làm cho giặc Pháp phải bạt vía kinh hoàng.
Hoàng Hoa Thám đã từng khẳng định: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi, chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng”. Tuyên bố nổi tiếng đó biểu thị rõ tinh thần độc lập, lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân năm xưa.
Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp diễn ra suốt gần 30 năm (1884-1913) và được đánh giá là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất, bền bỉ nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử chống thực dân xâm lược trước khi có Đảng lãnh đạo. Cuộc chiến đấu vô cùng kiên cường, bất khuất mặc dù không đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng đã để lại một trang lịch sử hào hùng về truyền thống chống giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sự mưu trí, dũng cảm.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám với những chiến công lẫy lừng vẫn còn đọng lại trong ký ức, tình cảm của mỗi con người Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã trở thành bản hùng ca đầy tự hào và khát vọng. Tên của người anh hùng Hoàng Hoa Thám đã trở thành những địa danh, tên những con đường, khu phố, công viên, quảng trường, nhà máy ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Tại lễ hội năm nay, ngoài phần dâng hương tế lễ, phóng ngư, biểu diễn nghệ thuật tái hiện lễ tế cờ của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ, thể thao hấp dẫn như: Hội trại thanh niên, thi nấu cơm niêu, trưng bày ẩm thực, trưng bày sinh vật cảnh, hội chợ thương mại, đập niêu, ném còn, kéo co, bắn nỏ, bịt mắt bắt dê, nghệ thuật rối nước, hội diễn văn nghệ quần chúng, giải bóng đá nam của huyện; giải vô địch đẩy gậy tỉnh Bắc Giang; giải bóng bàn, cờ tướng huyện Yên Thế mở rộng…Từ năm 1984 đến nay, lễ hội Yên Thế được tổ chức thường niên vào ngày 16-3 nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và tưởng nhớ Anh hùng Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám cùng các nghĩa sĩ đã dũng cảm đứng lên chống ách đô hộ thực dân Pháp. Qua đó khơi dậy, phát huy tinh thần thượng võ, lòng tự hào dân tộc, giá trị di sản văn hóa trên quê hương Yên Thế Anh hùng.