Ngày 31/3, tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ 2011 - 2016, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V thông qua Nghị quyết thành lập Sở Du lịch Khánh Hòa.
|
Các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa dự kỳ họp (Ảnh: Báo Khánh Hòa) |
Việc thành lập Sở Du lịch (trên cơ sở tách và kiện toàn bộ phận quản lý lĩnh vực này từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhằm đáp ứng công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực du lịch đang phát triển mạnh mẽ và là ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa, đồng thời phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng, phát triển vịnh Cam Ranh trở thành điểm du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc tế, thành phố Nha Trang là đô thị du lịch, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia và Trường Sa là điểm du lịch quốc gia.
Với nhiều lợi thế về cảnh quan biển đảo, môi trường, khí hậu, thực tế trong nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã vươn lên trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Nguồn thu từ du lịch đóng góp trên 12% vào GDP hằng năm của tỉnh. Chỉ tính giai đoạn 2012 - 2015, trung bình mỗi năm ngành du lịch Khánh Hòa đạt doanh thu trên 4.855 tỷ đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 610 cơ sở lưu trú phục vụ du lịch với hơn 20.400 phòng, tăng gấp 2,1 lần chỉ sau 8 năm (kể từ năm 2008). Năm 2015, Khánh Hòa đã đón trên 4 triệu lượt du khách, trong đó có gần 1 triệu lượt du khách quốc tế.
Nghị quyết giao UBND tỉnh Khánh Hòa quy định bộ máy tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Sở Du lịch; thống nhất đổi tên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa thành Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa.
Cũng trong ngày 31/3, tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa VIII ban hành Nghị quyết thành lập Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang.
Trước đó, tại Công văn số 23/TTg-TCCV ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang.
Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang được thành lập, trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở tách chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức lĩnh vực du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang. Việc thành lập Sở Du lịch nhằm tập trung chuyên môn nghiên cứu, phát huy và khai thác tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang.
Kiên Giang có thế mạnh phát triển du lịch, vị trí địa lý thuận lợi, địa điểm kết nối, mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Campuchia và Thái Lan và là cầu nối giữa các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Tỉnh có 21 di tích cấp quốc gia, 1 di tích quốc gia đặc biệt; 30 di tích cấp tỉnh; 1 trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao Phú Quốc; 4 khu du lịch gồm Hà Tiên, Hòn Phụ Tử - danh thắng Hòn Chông (Kiên Lương), Hòn Me - thắng cảnh Ba Hòn (Hòn Đất), Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Khu dự trữ sinh quyển thế giới - Kiên Giang, diện tích hơn 1,1 triệu ha, trải rộng trên địa bàn các huyện Phú Quốc, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và Kiên Hải, chứa đựng sự phong phú, đa dạng, đặc sắc về cảnh quan, hệ sinh thái với rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá, núi đá vôi, hệ sinh thái biển. Khu Ramsar Vườn quốc gia U Minh Thượng là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam có giá trị về sinh học, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa - lịch sử, phát triển du lịch sinh thái.
Năm 2015, Kiên Giang thu hút hơn 4,3 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó khách quốc tế đến Phú Quốc khoảng 220.980 lượt người. Doanh thu từ hoạt động du lịch gần 2.500 tỷ đồng.
Theo quy hoạch tổng thể du lịch Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 phát triển du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái giữ vai trò chủ đạo. Tỉnh xác định 4 vùng du lịch trọng điểm là Phú Quốc; Hà Tiên, Kiên Lương - vùng phụ cận; Rạch Giá, Kiên Hải - vùng phụ cận; U Minh Thượng - vùng phụ cận. Phú Quốc là khu du lịch quốc gia ưu tiên đầu tư đến năm 2020 trở thành điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế có sức cạnh tranh cao. Hà Tiên là điểm du lịch quốc gia tập trung đầu tư đến năm 2020 trở thành đô thị du lịch ven biển.