Dự án EU tổ chức chương trình tập huấn về e-marketing trong du lịch
Cập nhật: 12/05/2016
(TITC) - Ngày 9/5/2016, tại Hà Nội, Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) đã tổ chức chương trình tập huấn về e-marketing trong du lịch. Tham dự tập huấn có các cán bộ, chuyên viên Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch Hà Nội.

Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về e-marketing điểm đến du lịch, giới thiệu các công cụ e-marketing hiệu quả giúp cho học viên có thể áp dụng vào công việc thực tiễn.

So với các phương pháp marketing truyền thống, e-marketing thể hiện nhiều ưu điểm và mang lại những lợi ích nổi trội hơn. E-marketing giúp truyền tải khối lượng lớn thông tin, mang tính chất tương tác giữa điểm đến và khách du lịch, có thể tiếp cận một lượng lớn khách hàng cũng như tiếp cận chính xác từng đối tượng khách, tiết kiệm chi phí, và góp phần xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch.

Theo chuyên gia quốc tế của Dự án EU, ông Florian Sengstschmid, hành trình của khách du lịch bao gồm: ước mơ – cảm hứng, lập kế hoạch, tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, vận chuyển và đi đến, trải nghiệm tại điểm đến, trở về, gợi nhớ, quan tâm và tiếp tục hành trình mới. Ông nhấn mạnh e-marketing cần tác động đến toàn bộ hành trình của khách du lịch. Hiểu rõ nhu cầu, hành trình của khách giúp điểm đến xác định được hoạt động e-marketing cụ thể cần triển khai cho từng giai đoạn trong hành trình du lịch, tạo cho du khách cảm hứng và động lực trải nghiệm du lịch.

E-marketing là hoạt động dựa trên nền tảng website, trong đó tập trung ứng dụng các công cụ truyền thông xã hội như instagram, twitter, blog du lịch, pinterest, facebook; truyền thông xã hội dựa vào vị trí như foursquare, everplaces, geocatching; truyền thông xã hội qua các mạng du lịch như tripadvisor, wayn, lonely planet, wikitravel, tripline…

Để đạt hiệu quả cao trong công tác e-marketing cần xây dựng chiến lược e-marketing rõ ràng và đảm bảo các nguyên tắc: (1) Nâng cao trải nghiệm cho du khách, (2) Xây dựng nội dung hấp dẫn, (3) Liên kết và theo dõi thông qua các kênh. Điểm đến cần xác định rõ những trải nghiệm có thể cung cấp và cách thức chuyển đổi các dịch vụ du lịch trở thành trải nghiệm tạo cho du khách cảm xúc thú vị. Từ đó, xây dựng nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, marketing thông tin và các thông điệp phù hợp với thị hiếu, đáp ứng sự quan tâm của đối tượng đích.

Tin: Hồng Nhung; Ảnh: Anh Dũng