(TITC) – Ngày 18/5/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang đã ra Kết luận số 28-KL/TU về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020.
|
Đình Tân Trào |
Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, nhằm phát huy những thành quả đạt được và khắc phục những hạn chế của giai đoạn 2011-2015, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu năm 2020 đón được 1,7 triệu lượt du khách, tạo việc làm cho 16.000 người lao động, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch phát triển đồng bộ tại các khu, điểm du lịch trọng điểm.
Để hoàn thành được mục tiêu trên, tỉnh đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Đẩy mạnh triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch khác; Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng vào các khu du lịch, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, tâm linh…; Củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác du lịch, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch
Các giải pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch Tuyên Quang trong giai đoạn tới tập trung vào công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường công tác thông tin, quảng bá về hình ảnh, tiềm năng du lịch của Tuyên Quang; chú trọng tổ chức, đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia và quốc tế; tổ chức các chương trình khảo sát tour, tuyến điểm du lịch cho các doanh nghiệp du lịch và cơ quan thông tấn báo chí.
Tập trung triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, phấn đấu xây dựng Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào trở thành Khu du lịch quốc gia, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp, Công viên địa chất Na Hang – Bình Lâm trở thành Công viên địa chất quốc gia…
Ưu tiên đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu riêng, phục vụ cho nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách như Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, Lễ hội thành Tuyên, Lễ hội Động Tiên, Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, Lễ hội Lồng tông…
Về phát triển nguồn nhân lực, chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; định kỳ tổ chức thi tay nghề…
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết vùng để phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn; đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mời các nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; chủ động liên kết và hợp tác du lịch, kết nối các tour, tuyến trong vùng và liên vùng; xây dựng và triển khai cơ chế , chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia các hoạt động phát triển du lịch.
Về tăng cường hiệu quả quản lý, cần phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Tuyên Quang, thiết lập các đường dây nóng nhằm hỗ trợ du khách.
Theo số liệu thống kê của tỉnh, năm 2010, Tuyên Quang đón được khoảng 500.000 lượt khách, đến năm 2015, con số này đã đạt hơn 1,3 triệu lượt khách. Tổng số lượng khách giai đoạn 2011-2015 đạt trên 4 triệu lượt, tăng 49% so với giai đoạn 2006-2010. Với việc đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trong giai đoạn 2016-2020, du lịch Tuyên Quang quyết tâm hoàn thành mục tiêu là “một trong 3 khâu đột phá” mà Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định.
Thu Thủy