Nếu ai đó nghĩ làng nghề và nghề truyền thống chỉ thuần túy là nơi sản xuất, mua bán, thì quả là quá sai. Giá trị đích thực của làng nghề truyền thống là giá trị của lao động sáng tạo, gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo trong việc tạo tác sản phẩm của cả cộng đồng dân cư. Chính tình yêu lao động và óc sáng tạo cái đẹp đã làm nên một sản phẩm du lịch đang có sức hấp dẫn với du khách khi đến Lâm Đồng - Đà Lạt.
|
Nghề đan lát của đồng bào Churu ở Phú Hội - Đức Trọng đang thu hút nhiều du khách đến xem và mua bán |
Đa dạng các ngành nghề truyền thống
Không chỉ thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà sức hút của du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng những năm qua còn là nét đẹp trong văn hoá đa sắc, trong đó có làng nghề và nghề truyền thống. Tham qua làng nghề, khách du lịch được tận mắt nhìn thấy sản phẩm được làm ra như thế nào, tìm hiểu quy trình sản xuất, lịch sử hình thành phát triển làng nghề, được trải nghiệm, tự tay thử làm sản phẩm. Sẽ không thể nào quên những vườn hoa rực rỡ sắc màu ở Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên, Xuân Thành (Đà Lạt); ngỡ ngàng với tài năng của các nghệ nhân, nghệ sĩ với tranh bút lửa, cưa lọng, tranh thêu tay; ngạc nhiên vì quần áo lụa mà ta mặc lại có nguồn gốc từ một con vật nhỏ bé giống con sâu khi hiểu rõ quy trình trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở Nam Ban (Lâm Hà); thú vị khi khám phá phương thức đúc nhẫn bạc truyền thống của người Churu ở thôn Ma Đanh (Tu Tra - Đơn Dương), nghề làm rượu cần, dệt thổ cẩm của người K’Ho ở Lạc Dương, nghề đan lát của người Churu ở Đức Trọng, nghề đan móc, dệt len truyền thống ở Đà Lạt... Sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo, óc sáng tạo của các nghệ nhân đã làm nên những sản phẩm mang hàm lượng nghệ thuật cao tạo sức hút với đông đảo du khách; đồng thời, để lại ấn tượng cho du khách về một vùng đất không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, mà con người cũng rất tài hoa.
Theo thống kê hiện nay toàn tỉnh có 41.708 cơ sở ngành nghề nông thôn, tạo việc làm cho trên 200 ngàn lao động. Đặc biệt, hiện có 28 làng nghề tại các thôn, buôn, xã, phường, thị trấn thu hút trên 4.000 hộ với khoảng hơn 7.000 nghệ nhân, lao động tham gia. Đã có 18 làng nghề và nghề được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chí làng nghề truyền thống như các làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên, Hà Đông, Xuân Thành tại Đà Lạt; các làng nghề dệt thổ cẩm: B’Nớ C (thị trấn Lạc Dương), Buôn Go (Phù Mỹ - Cát Tiên), thôn K’Long (xã Hiệp An - Đức Trọng), thôn 3 (Lộc Tân - Bảo Lâm), thôn Đam Pao (Đạ Đờn - Lâm Hà), thôn Đạ Nghịch (phường Lộc Châu - Bảo Lộc); các làng nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở Đông Anh (Nam Ban - Lâm Hà), thôn 1 - 2 (Đạ Kho - Đạ Tẻh)… Có thể nói, các làng nghề là “chất liệu quý” để phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa, du lịch làng nghề.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống
Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến năm 2020 đã nêu rõ “Tập trung hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với du lịch của địa phương với mục tiêu nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn”. Theo đó, 2 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ 3,4 tỷ đồng để mở các lớp đào tạo nghề, tổ chức truyền nghề cho các thế hệ kế cận, đầu tư máy móc, trang thiết bị, công cụ, nguyên liệu đầu vào, hỗ trợ giống, kỹ thuật, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước thông qua các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại để phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm của các làng nghề, nghề truyền thống. Toàn tỉnh đã khôi phục được 28 làng nghề, tập trung hỗ trợ đầu tư 12 làng nghề gắn với du lịch. Từ đó, hình thành nên các tuyến, điểm du lịch gắn với 8 làng nghề (trồng hoa, cưa lọng chạm bút lửa, hoa khô, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, dệt lụa, làm tranh hoa trên địa bàn huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đam Rông và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc); đồng thời, phát triển 4 làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, làm rượu cần, dệt thổ cẩm dọc theo các tuyến Quốc lộ 20, 27, tỉnh lộ 722, 725. Sau 2 năm thực hiện Đề án, qua sự nỗ lực “tiếp sức” đã thực sự làm sống dậy những làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề đã được khôi phục tránh nguy cơ thất truyền, mai một như nghề đúc nhẫn bạc của người Churu, nghề rèn của người Mạ…
Làng nghề truyền thống đã thực sự có sức hấp dẫn với du khách và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Tuy nhiên, vẫn còn những làng nghề được hỗ trợ đầu tư bài bản, nhưng vắng bóng du khách, bởi thiếu sự tương tác giữa nghệ nhân sản xuất và khách tham quan. Đặc biệt là những làng nghề dệt thổ cẩm đang thực sự thiếu sức sống khi sản phẩm khó tìm đầu ra, sản phẩm không còn giữ nguyên giá trị công dụng truyền thống.
Du lịch làng nghề đang góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, cho du khách nhận diện đầy đủ rõ ràng về đất và người Lâm Đồng. Khách du lịch đang là chất xúc tác để các nghệ nhân làng nghề cảm thấy tự hào và thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống. Hàng chục làng nghề đang chào đón du khách, ở đó chứa đựng bao giá trị văn hóa là một trong những thành tố làm nên vẻ đẹp của miền đất Nam Tây Nguyên đa sắc.