Tham quan vườn cò Tiến Nông – Thanh Hóa
Cập nhật: 02/08/2016
Từ thành phố Thanh Hoá dọc theo Quốc lộ 47, qua cầu Thiều rẽ trái và xuôi theo đê sông Hoàng Giang là đường rải cấp phối gần 3km, vườn cò Tiến Nông sẽ hiện ra trước mắt chúng ta. 

Vườn cò là một gò đất cao và rộng có nhiều bụi tre gai, nằm giữa cánh đồng trũng. Vào mùa mưa vườn cò nằm giữa hồ nước rộng, nên làng Nga còn có tên là “Làng cò hồ Nga” - xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn. Vào buổi chiều khi cò đi kiếm ăn về thì đó là một vườn tre xanh biếc, cò trắng đậu trên ngọn tre trông như một tấm thảm trắng phủ lên trên.

Theo như lời kể của những người cao tuổi ở xã Tiến Nông thì vườn cò đã có từ cách đây hơn 100 năm. 

Vườn cò Tiến Nông có diện tích 3,5ha, trong đó có 2ha mặt nước hồ bao quanh và 1,5ha đất trồng gần 200 bụi tre cao từ 3-10m, là nơi cư trú và làm tổ của các loài chim. Theo nghiên cứu gần đây, vườn cò Tiến Nông có 6 bộ, 10 họ  với 17 loài, trong đó có bộ Hạc (Cinomiiformes) gồm 6 loài, chiếm số lượng lớn của vườn cò. Trong đó nhiều nhất là cò trắng (cò ngàng lớn - camerodius avous; cò ngàng nhỏ - Mesnophoyx intermedia); cò bợ (Ardeola bacchus), có tháng cả cò trắng và cò bợ tới 3.500 con. Ngoài ra còn có Cuốc chân đỏ (Amamonis akool); cuốc ngực trắng (A.phoenicurus); Rẽ giun lớn (gallinogo nemoricola); Rẽ giun nhỏ (Lymnocryptes minimus); Sẻ quạt họng trắng (Rhipidura albicollis)... 

Đa số các loài cò ở đây đều thuộc loài định cư, có yêu cầu sinh thái phức tạp, hoạt động quanh năm, hàng ngày kiếm ăn từ 5h đến 17 – 18h, phạm vi từ 1 - 10km. Tùy từng loài mà vị trí kiếm ăn và thức ăn của chúng khác nhau: Cò bợ chỉ quanh bờ ruộng, bờ ao hay ở những hồ nước cạn, nó có thể đứng rình mồi hàng giờ hoặc dò dẫm dọc theo bờ nước để bắt tôm, tép, cá con. Khi cò bợ đứng ta thấy cò có đầu và cổ màu vằn đỏ, lưng nâu, khi cò bợ bay lên hoặc bay là là trên mặt ruộng ta thấy cánh và đuôi có màu trắng. 

Cò trắng thường kiếm ăn ở các ruộng lúa nước, thức ăn là tôm, tép, cá con và các loài ếch nhái nhỏ.

Mùa sinh sản của các loài cò thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, trong thời gian sinh sản cò có bộ lông đẹp và rực rỡ, cò trắng có bộ “áo cưới” kỳ lạ, khi đó bộ lông trắng và có thêm những lông dài ở đầu, ngực và vai, các lông này là các sợi lông nhỏ, không móc vào nhau, khi cò đậu chúng rủ xuống như tấm mành thưa, còn khi bay trên bầu trời thì các lông đó bay như những dải lụa trắng.  

Theo thống kê chưa đầy đủ thì ở Việt Nam có 850 loài chim, một số loài chim có số lượng lớn hầu hết đều nằm ở các tỉnh phía Nam. Ở phía Bắc Việt Nam, những sân chim như vườn cò Tiến Nông là vô cùng quí hiếm. Sự hiện diện của vườn cò Tiến Nông là một trong những nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá cần được bảo vệ và xây dựng thành nơi tham quan, học tập cho học sinh, sinh viên và phát triển thành điểm du lịch sinh thái ở Thanh Hoá./. 

thanhhoa.gov.vn