Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 sẽ được tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 10/9 đến hết ngày 20/9 (tức từ 10/8 đến 20/8 âm lịch).
|
Lễ rước bộ và dâng hương tưởng niệm 573 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn-Kiếp Bạc 2015. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN) |
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 sẽ được mở màn bằng Lễ cáo yết xin phép mở cửa đền Kiếp Bạc.
Trong suốt 10 ngày lễ hội còn diễn ra những nghi lễ truyền thống thiêng liêng như: Lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp bạc; Lễ rước bộ, Lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; Lễ dâng hương tại đền Nam Tào - Bắc Đẩu; Lễ rước, Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi; Lễ Hội quân trên sông Lục Đầu; Lễ Cầu an và Hội Hoa đăng.
Tất cả những nghi lễ này đều được tổ chức đúng với truyền thống của Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc khi xưa, với sự tham gia của đội tế lễ nhân dân làng Vạn Yên, Dược Sơn - hai làng xung quanh Đền Kiếp Bạc.
Nét riêng đặc sắc nhất của phần “Lễ” trong Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc là Lễ rước bộ và Hội quân trên sông Lục Đầu. Khung cảnh lễ hội quân tưng bừng, hoành tráng trong khoảng không gian rộng, cả trên bờ và dưới lòng sông.
Dưới sông, hàng chục chiếc thuyền được chăng cờ hoa rực rỡ, cùng nhau biểu diễn tái hiện chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của dân tộc. Trên khán đài được dựng ngay trên bãi sông, các đội múa lân, múa rồng, múa võ, múa gậy…
Lễ cầu an và Hội hoa đăng trên dòng sông Lục Đầu cũng là một điểm nhấn đáng chú ý của Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc với hàng trăm chiếc đèn hoa được thả trên sông.
Du khách tham gia cùng tưởng nhớ tới người thân đã khuất, cầu mong cho đất nước thái bình, cuộc sống hiện tại bình an, ấm no.
Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2016 còn có nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn như: Liên hoan diễn xướng hầu thánh; Liên hoan múa rối nước Hải Dương lần thứ VI; Giải đua thuyền chải tỉnh Hải Dương; các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt đập niêu, bắt vịt, đi cầu khỉ, nhảy bao bố… và các màn biểu diễn nghệ thuật dân gian: hát chèo, quan họ, ca, múa, nhạc…
Tại Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc 2016, Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương) phối hợp với Ban Quản lý di tích Côn Sơn Kiếp Bạc và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thị xã Chí Linh xây dựng chương trình kích cầu, ưu đãi, giảm giá cho các doanh nghiệp lữ hành. Cụ thể, giá phòng nghỉ cho du khách giảm từ 10 - 30% so với giá niêm yết; tổ chức thuyết minh miễn phí cho các đoàn khách tham quan khu di tích, danh thắng.
Ngoài ra, các công ty lữ hành và du khách sẽ được hướng dẫn, cung cấp các thông tin cần thiết khác khi có nhu cầu…
Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho mùa lễ hội, tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng, tổ chức phân luồng xe, bố trí bãi đỗ xe để đảm bảo giao thông thông suốt, không tắc nghẽn trong cả những ngày đông du khách về trảy hội nhất.
Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng tổ chức cho các cá nhân và hộ gia đình kinh doanh trong khu vực ký cam kết niêm yết giá tại các hàng quán, không chèo kéo du khách, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là một quần thể nhiều di tích nằm trên địa bàn thị xã Chí Linh, Hải Dương. Nơi đây có nhiều di tích liên quan đến những chiến công lẫy lừng của quân và dân nhà Trần, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông thế kỷ XIII; gắn với thân thế sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam…
Khu di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962; năm 2012 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và trong Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc mùa Xuân 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn và lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2016, bia Thanh Hư Động ở sân chùa Côn Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.