(TITC) – Trong khuôn khổ triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam, chiều ngày 18/8/2016, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Tranh dân gian Việt Nam, bảo tồn và phát huy giá trị”.
|
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành di sản văn hóa, các nghệ nhân dân gian, các trường đào tạo trong lĩnh vực di sản, đại diện một số bảo tàng trên địa bàn Hà Nội.
Trong bối cảnh tranh dân gian đang đứng trước sự mai một theo thời gian, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm gắn kết các loại hình dân gian, bảo tồn di sản văn hóa dân gian, nuôi dưỡng những giá trị dân gian sống mãi theo dòng lịch sử. Qua đó, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức gìn giữ những nét đẹp tinh hoa trong văn hóa dân tộc.
Tranh dân gian là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được vật thể hóa, cũng là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Do những đặc thù cơ bản về kỹ thuật chế tác các bản in từ các khuôn mẫu khắc tạc trên gỗ mà người ta cho rằng sự ra đời và phát triển của tranh dân gian Việt Nam đã có từ rất lâu đời. Theo thời gian với sự phát triển của nghề in, khắc gỗ, việc sản xuất tranh dân gian ngày càng mở rộng ở nhiều địa phương, dần dần hình thành những trung tâm sản xuất tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng như làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (Hà Tây cũ), làng Sình (Huế)… Tranh dân gian Việt Nam phản ánh đời sống cùng tập tục tín ngưỡng của nhân dân nhưng ở mỗi vùng, miền mang những sắc thái và kỹ thuật riêng.
Cùng với tranh dân gian của người Việt ở đồng bằng, còn có nhiều tranh thờ được vẽ hay in gỗ của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Dao, Cao Lan… Tranh thờ được coi là hiện thân của tổ tiên, các vị thần, thế lực siêu nhiên, được dân chúng thờ cúng, mong muốn được che chở, trừ tai ương, cầu mong mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở, bình an may mắn.
Từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX đến nay, tranh dân gian Việt Nam đã được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều bảo tàng hiện còn lưu trữ và trưng bày tranh dân gian như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội… Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng hiện đại, nhu cầu chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước đây nên ít có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn dẫn đến các dòng tranh dân gian đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Bên cạnh đó, việc một số hộ sản xuất tranh in gỗ đã đục bỏ các phần chữ Hán, chữ Nôm trong nhiều bức ván in đã khiến cho ý nghĩa của tranh dân gian bị ảnh hưởng, làm suy giảm tính nguyên gốc, tính độc đáo của những tác phẩm tranh dân gian. Sự thay đổi trong việc sử dụng các vật liệu làm giấy, sử dụng màu vẽ công nghiệp trong những năm gần đây cũng tạo nên những thay đổi về chất đối với các loại tranh dân gian truyền thống.
Để bảo tồn, phát huy những giá trị của tranh dân gian, các đại biểu cho rằng trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, xuất bản sách chuyên đề về tranh dân gian; xây dựng những chính sách tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian; đào tạo, truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ sau; xây dựng các trung tâm văn hóa du lịch, lấy việc sản xuất tranh dân gian để thu hút khách du lịch, tạo điều kiện để khách du lịch được trải nghiệm việc in tranh, sản xuất tranh…; đẩy mạnh việc sưu tầm các tư liệu lịch sử về tranh dân gian; phục hồi các ván in tranh theo nguyên mẫu các bức tranh mới tìm được, phục hồi các chữ Hán, Nôm đã đục bỏ trước đây; tăng cường giới thiệu tranh dân gian tại các bảo tàng; thực hiện dự án bảo tồn làng tranh Đông Hồ; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về tranh dân gian.
Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa dân gian đã giới thiệu và trao đổi về các vấn đề: sưu tập tranh dân gian Việt Nam; nghệ thuật tranh thờ của người Dao ở Yên Bái; truyền thống mỹ thuật của dân tộc; tranh dân gian làng Sình; dự án khôi phục tranh Kim Hoàng; bảo tồn nghề truyền thống trong xã hội hiện đại; bảo quản và phát huy giá trị bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam tại Bảo tàng Hà Nội; tranh Phật giáo Việt Nam…
Tin, ảnh: Thu Thủy