Trong đợt khảo sát khảo cổ học mới đây tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu Viện Khảo cổ học đã phát hiện nhiều giếng cổ mang dấu ấn văn hóa Chăm Pa.
|
Giếng cổ Nghi Sơn. (Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn) |
Theo PGS.TS Trình Năng Chung - Viện Khảo cổ học, Trưởng đoàn khảo sát, các giếng cổ ở Nghi Sơn mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm Pa từ kỹ thuật khai thác mạch nước ngầm đến cấu trúc và kỹ thuật tạo dựng giếng.
Về niên đại, nhiều khả năng các giếng cổ được hình thành vào thời nhà Tây Sơn xây dựng phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Chiếc giếng có kích thước lớn nhất (mỗi cạnh 2,9m; sâu hơn 5m) nằm ở xóm Giếng (thôn Nam Sơn) còn tương đối nguyên vẹn. Thành giếng được ghép bằng các phiến đá dày, ghè đẽo công phu, xen kẽ là một vài phiến đá lớn có bề mặt khá bằng phẳng, không có chất kết dính. Đáng chú ý là phần đáy giếng được thu nhỏ lại đột ngột bằng 3 lớp đá xếp giật cấp theo hình vuông từ trên xuống.
Một đặc điểm chung nổi bật là các giếng cổ nơi đây đều phân bố gần sát đường bờ biển, nhưng nước giếng lại không bị nhiễm mặn. Điều này thể hiện kỹ thuật cao trong việc chọn mạch nước ngọt của người dân xưa kia. Đặc biệt, nước giếng trong và chưa bao giờ cạn.
Hiện nay, để bảo vệ giếng, người dân trét vữa vào các mạch đá, ốp gạch bên ngoài thành giếng tạo thành hai bậc thềm cao, nguồn nước trong giếng vẫn đang được người dân sử dụng hàng ngày.