Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Quản lý, vận hành du lịch như một ngành kinh tế
Cập nhật: 15/09/2016
Chiều 14/9, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc, cho ý kiến về dự thảo Đề án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội…

Dự thảo được Chính phủ đánh giá cao

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái đã ủy quyền cho Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn báo cáo dự thảo Đề án.

Theo đó, Đề án do Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) soạn thảo, đã từng được lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương góp ý cách đây gần hai tháng. So với dự thảo lần trước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao dự thảo Đề án lần này đã tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương,thể hiện được một bước việc xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, có dấu ấn văn hóa sâu sắc.

Dự thảo gồm hai phần: thực trạng phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 1990-2015, những tồn tại nguyên nhân và bài học kinh nghiệm và phần II gồm Định hướng phát triển du lịch Việt Nam.

Dự thảo đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như: nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, tái cơ cấu ngành theo quy luật thị trường; xây dựng khuôn khổ pháp luật và nâng cao năng lực bộ máy ngành du lịch; tăng cường quy hoạch; thu hút các nguồn lực đầu tư hình thành các khu vực phát triển du lich động lực; tăng cường nguồn lực đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch và tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng, Đề án là cơ hội “có một không hai” để vực dậy ngành du lịch nước ta

Góp ý vào dự thảo, đại diện các bộ, ngành cho rằng, Đề án cần tiếp tục khẳng định rõ quan điểm du lịch là mũi nhọn nhưng không phải tỉnh, TP nào cũng coi du lịch là mũi nhọn mà chỉ tập trung ở các tỉnh, vùng có lợi thế về du lịch; phân định các công việc về phát triển du lịch mà Nhà nước phải làm hay xã hội, tư nhân phải làm; xây dựng, phát triển ngành du lịch phải gắn kết chặt chẽ với chính sách hội nhập kinh tế quốc tế; ngành phải xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng…

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngoài việc Đề án phải làm nổi bật được nội dung “mũi nhọn” thì các cấp, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình cũng phải xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, tạo động lực phát triển.

Cần đưa ra các điểm đột phá

Nhằm hoàn thiện bản dự thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu thêm ban soạn thảo phải thể hiện rõ được các nguồn lực về thể chế, chính sách, tài chính, các giá trị văn hóa- tinh thần để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây được coi là điểm đột phá mà Đề án phải đạt được.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái tại buổi làm việc

Cũng như lần họp lấy kiến trước đây, lần này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục yêu cầu bàn về các vấn đề về giá, phí dịch vụ du lịch, giá điện, giá nước, thuế, đất đai, thể chế quản lý du lịch và việc này phải thể hiện trong Đề án.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, thực tiễn hiện nay, phí, giá dịch vụ du lịch vẫn rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, nâng cao giá trị của di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như sự phát triển của ngành du lịch. Đơn giá điện phục vụ cho du lịch thì cao hơn đơn giá điện phục vụ sản xuất. Chưa có ưu đãi thuế đất đối với các công trình lưu trú trong các khu vực hạn chế xây dựng (như cố đô Huế) hay các công trình lưu trú có sử dụng nhiều diện tích trồng nhiều cây xanh, sinh thái…

Về giải pháp thực hiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy phát triển du lịch là tiên quyết. “Phải hành xử với du lịch như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, có thể chế, chính sách vượt trội thì mới thành mũi nhọn. Nếu các bộ, ngành nói chính sách vướng cho quản lý thì sẽ “tắc”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ VHTTDL tiến hành nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu ngành du lịch trong giai đoạn 2016 - 2020 có tầm nhìn tới năm 2030 và nhấn mạnh việc Bộ Chính trị sẽ thảo luận và xem xét thông qua. Đề án này là cơ hội “có một không hai” để vực dậy ngành du lịch mà nước ta có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành phải dựa trên 3 trọng điểm là: Hạ tầng; xác định loại hình du lịch và sản phẩm du lịch; hoàn thiện thể chế chính sách phát triển du lịch trong đó có các chính sách thu hút nguồn lực nhà nước và xã hội, bổ sung các chính sách cụ thể về thuế, đất đai, giá phí dịch vụ du lịch, có lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ du lịch tương ứng với quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo thể hiện rõ chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; có kế hoạch phát triển nguồn lực du lịch cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn lao động. Đồng thời nêu rõ chủ trương, tỉnh, TP nào có thế mạnh về du lịch sẽ thành lập Sở Du lịch trên cơ sở không tăng biên chế và chịu sự quản lý, giám sát của một Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực kinh tế./.

Bài, ảnh: Song Đào

toquoc.vn